Phát biểu tại Hội nghị sơ kết hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2023, ông Nguyễn Đình Thi - Trưởng ban Kế hoạch Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (mã cổ phiếu: POW – sàn: HoSE) cho biết, kết thúc 6 tháng đầu năm nay, sản lượng điện toàn Tổng Công ty ước đạt 8.310 triệu kWh, đạt 107% kế hoạch, với doanh thu hợp nhất ước đạt 16.567 tỷ đồng, bằng 112% kế hoạch.
Trong 6 tháng cuối năm nay, dự kiến Điện lực Dầu khí Việt Nam sẽ tiến hành: Đại tu Nhà máy điện Cà Mau 2; Đại tu Nhà máy điện Nhơn Trạch 2; Trung tu Nhà máy điện Nhơn Trạch 1 và một số hoạt động tiểu tu tại các nhà máy điện khác. Do đó, Điện lực Dầu khí Việt Nam hiện đặt mục tiêu sản lượng điện là 7.838 triệu kWh, doanh thu hợp nhất ước đạt 11.627 tỷ đồng.
Trong khi đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, cổ đông Điện lực Dầu khí Việt Nam đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với tổng sản lượng điện 15.590 triệu kWh, tổng doanh thu 30.332 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.277 tỷ đồng. Như vậy, nếu theo dự kiến hiện nay, tổng doanh thu của Điện lực Dầu khí Việt Nam có thể sẽ chỉ đạt khoảng 93% kế hoạch đã đề ra.
Trước đó, tại buổi làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) vào ngày 6/7, ông Lê Như Linh - Tổng Giám đốc Điện lực Dầu khí Việt Nam cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh đang đối mặt nhiều thách thức như thời gian đại tu các nhà máy, thu xếp nguồn than và khí, công nợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)….
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm nay, một số nhà máy điện thuộc Tổng Công ty không đạt sản lượng điện hợp đồng (Qc) được giao do nhiều nguyên nhân khách quan. Các nhà máy thủy điện trong tình trạng thiếu nước, nguồn khí cũng bị thiếu hụt, Tổ máy số 1 tại Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 gặp sự cố và đặc biệt tình hình thu hồi công nợ của Điện lực Dầu khí Việt Nam từ EVN vô cùng khó khăn, tính đến nay tổng số tiền nợ đọng đã xấp xỉ 13.000 tỷ đồng khiến dòng tiền của Tổng Công ty khó cân đối.
Một số vướng mắc liên quan trong thu xếp vốn, đấu nối, đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA), đàm phán hợp đồng mua bán khí (GSA) tại Dự án Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 đang được giải quyết, việc huy động chạy dầu DO trong đợt cao điểm huy động điện phát sinh nhiều vấn đề như chi phí tăng, bảo dưỡng sửa chữa thiết bị, máy móc...
Điện lực Dầu khí Việt Nam cho biết sẽ phải nỗ lực rất cao để hoàn thành mục tiêu kinh doanh đã đề ra trong năm nay trước những yếu tố kém thuận lợi nêu trên. Trong 6 tháng nửa cuối năm nay, ban lãnh đạo Điện lực Dầu khí Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra an toàn, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu huy động điện tối đa công suất, và tiếp tục triển khai các thủ tục liên quan đến các dự án: Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4, nhà máy điện khí LNG, dự án thuỷ điện Luang Prabang...
Hiện Tổng Công ty đang sở hữu và vận hành 7 nhà máy điện với tổng công suất hơn 4.200 MW, bao gồm: 02 nhà máy thuỷ điện và 5 nhà máy nhiệt điện (cả than và khí).
Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch ngày 11/7, cổ phiếu POW của Điện lực Dầu khí Việt Nam có giá tham chiếu tại 13.200 đồng/cổ phiếu; tăng hơn 19% so với thời điểm đầu năm nay.