Loạt tổ chức cùng lúc mua gom cổ phiếu PVD
Ba công ty bảo hiểm nhân thọ có vốn đầu tư nước ngoài và quỹ đầu tư VinaCapital vừa có báo cáo về việc mua vào cổ phiếu PVD của Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling).
Cụ thể, ba công ty bảo hiểm nhân thọ có vốn đầu tư nước ngoài là Generali Việt Nam, Hanwha Life Việt Nam, và Chubb Việt Nam, đã lần lượt mua vào 127.800 cổ phiếu, 88.200 cổ phiếu, và 134.300 cổ phiếu PVD. Tổng số cổ phiếu PVD được ba công ty bảo hiểm này mua vào là 350.300 đơn vị, tương ứng hơn 0,06% vốn điều lệ PV Drilling.
Cùng với đó, hai đơn vị thành viên của quỹ đầu tư VinaCapital là Hưng Thịnh và Cân bằng Tuệ sáng đã mua vào lần lượt 340.000 cổ phiếu và 190.000 cổ phiếu PVD. Đồng thời, quỹ đầu tư VinaCapital cũng mua vào 18.200 cổ phiếu PVD. Tổng số cổ phiếu PVD được nhóm quỹ đầu tư VinaCapital mua vào đợt này là 548.200 cổ phiếu PVD, tương ứng hơn 0,09% vốn điều lệ PV Drilling.
Cả 6 đơn vị trên đều không mua hết số lượng cổ phiếu PVD đã đăng ký ban đầu với cùng lý do “diễn biến thị trường không thuận lợi”. Đáng chú ý, trước khi thực hiện các giao dịch, tất cả các tổ chức trên đều không sở hữu cổ phiếu PVD.
Đồng thời, các tổ chức trên đều có liên quan đến ông Hoàng Xuân Quốc - Thành viên HĐQT độc lập của PV Drilling. Hiện ông Hoàng Xuân Quốc đồng thời là Giám đốc tại 6 tổ chức này. Như vậy, nhóm tổ chức có liên quan đến ông Hoàng Xuân Quốc đang nắm giữ tổng cộng 898.500 cổ phiếu PVD, tương ứng gần 0,16% vốn điều lệ PV Drilling.
Theo dõi giá xăng dầu hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Giá thuê giàn khoan tăng cao kỷ lục, triển vọng khối lượng việc làm lớn
Động thái gom cổ phiếu PVD của nhóm tổ chức liên quan đến người bộ diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu PVD đã tăng gần 40% so với thời điểm đầu năm 2023.
Xét về hoạt động kinh doanh, luỹ kế nửa đầu năm nay, PV Drilling ghi nhận doanh thu thuần hơn 2.600 tỷ đồng, gần như tương đương so với cùng kỳ năm ngoái; nhưng lãi ròng lên đến 207 tỷ đồng, so với mức lỗ 149 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2022. Như vậy, PV Drilling đã hoàn thành gấp đôi mục tiêu lợi nhuận cả năm chỉ sau 6 tháng, chủ yếu nhờ biên lợi nhuận gộp mảng dịch vụ khoan & kỹ thuật giếng tăng mạnh trong bối cảnh nhu cầu khoan thăm dò và khai thác dầu trên toàn cầu “bùng nổ”.
Đại diện PV Drilling cho biết, giá thuê trung bình giàn khoan tự nâng tại khu vực Đông Nam Á trong năm 2023 dự báo khoảng ở mức 120.000 USD/ngày, tăng 45% so với năm 2022 và chạm mức cao nhất kể từ năm 2015, nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung giàn khoan đóng mới hạn chế, và các giàn khoan hiện tại đều có việc làm.
Trong khi đó, PV Drilling đang sở hữu một số lợi thế cạnh tranh lớn trên thị trường, đặc biệt là việc sở hữu đội giàn khoan có độ tuổi khai thác trẻ nhất so với các đối thủ trong khu vực. Cụ thể, độ tuổi khai thác trung bình của các giàn khoan của PV Drilling hiện chỉ khoảng 11 năm (tuổi thọ trung bình các giàn khoan vào khoảng 35-40 năm).
Đáng chú ý, hiệu suất hoạt động các giàn khoan của PV Drilling đã đạt trên 95% trong nửa đầu năm nay. Cả 06 giàn khoan của doanh nghiệp hiện nay (PV Drilling I, II, III, VI, PV Drilling 11 và TAD Drilling V) đều đã có việc làm đến hết năm 2023, và một số giàn khoan đã có hợp đồng dự kiến đến giữa năm 2024.
Bên cạnh các hợp đồng mà PV Drilling đã ký hết năm 2023 với mức giá thuê giàn khoan tự nâng trung bình khoảng 82.000 USD/ngày, dự kiến các hoạt động khoan thăm dò và khai thác dầu khí trên thế giới sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới khi giá dầu thô neo cao trên ngưỡng 80 USD/thùng, tạo ra khối lượng công việc lớn và tiềm năng tăng giá thuê giàn khoan cho PV Drilling.
Đồng thời, thị trường khoan trong nước sẽ trở nên sôi động từ năm 2024 trở đi khi Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động thăm dò và khai thác với loạt dự án dầu khí mới được triển khai. Những yếu tố trên sẽ mang lại lượng việc làm tiềm năng lớn cho PV Drilling trong những năm tới, tạo điều kiện bứt phá cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này.