Chốt phiên giao dịch cuối tuần này (ngày 17/6, theo giờ Hoa Kỳ), giá dầu thô Brent giao tháng 8/2022 đã lao dốc mất 5,58% xuống còn 113,12 USD/thùng, mức giảm giá theo ngày mạnh nhất kể từ đầu tháng 5 đến nay. Tương tự, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 7/2022 giảm 6,83% xuống còn 109,56 USD/thùng.
Tính chung cả tuần này, giá dầu thô Brent đã giảm 7,48% - xác lập tuần giảm giá đầu tiên sau 5 tuần tăng giá liên tiếp; giá dầu thô WTI giảm 9,4% - xác lập tuần giảm giá đầu tiên trong vòng 8 tuần trở lại đây.
Giá dầu thô chịu áp lực giảm mạnh trong bối cảnh giá thị trường lo ngại việc nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới nâng mạnh lãi suất có thể làm suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, kéo theo đó là sự sụt giảm nhu cầu sử dụng nhiên liệu.
Ngày 15/6, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) quyết định nâng lãi suất thêm 0,75% - mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994 nhằm kiềm chế lạm phát tại Hoa Kỳ vốn đang ở mức cao nhất trong hơn 40 năm trở lại đây. FED cũng cho biết vẫn có thể thảo luận về việc nâng lãi suất thêm 0,5% hay 0,75% trong phiên họp chính sách định kỳ vào cuối tháng 7. Đồng thời, FED cũng hạ mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ trong năm nay từ mức 2,8% xuống chỉ còn 1,7%.
Trong tuần trước, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã xác nhận sẽ tăng lãi suất thêm 0,25% vào tháng 7 tới đây, đánh dấu lần nâng lãi suất đầu tiên sau 11 năm. Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết dự kiến ECB sẽ tăng lãi suất thêm một đợt nữa với mức tăng 0,25% hoặc cao hơn vào tháng 9 nếu như lạm phát tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) “vẫn tiếp diễn hoặc xấu đi”. Dữ liệu mới nhất cho thấy lạm phát trong tháng 5 của khu vực Eurozone lên tới 8,1% - mức cao nhất kể từ khi đồng Euro được đưa vào sử dụng năm 1999.
Ủy ban châu Âu gần đây đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) từ mức 4% xuống còn 2,7% trong năm nay. Tuy nhiên, do lạm phát đang đạt mức kỷ lục khiến ngày càng nhiều nhà kinh tế cảnh báo rằng châu Âu có thể rơi vào tình trạng suy thoái mạnh hoặc suy thoái hoàn toàn trước cuối năm nay.
Hãng tin Bloomberg cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, hơn 50 ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã tăng lãi suất ít nhất 0,5% nhằm kiềm chế lạm phát. Giới đầu tư đang lo ngại rằng, cuộc chạy đua nâng lãi suất để bù đắp cho những dự báo sai sót trong quá khứ về lạm phát sẽ càng làm tăng nguy cơ suy thoái.
Bên cạnh đó, chuyên gia phân tích cấp cao Edward Moya từ hãng chứng khoán OANDA (Hoa Kỳ) cho biết giá dầu thô chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc Nga có thể tăng sản lượng khai thác trong thời gian tới.
Ngày 17/6, Hãng thông tấn TASS (Nga) dẫn lời Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga cho biết bất chấp các biện pháp cấm vận của phương Tây nhắm vào Nga, dự kiến sản lượng xuất khẩu dầu thô của Nga trong năm nay sẽ vẫn tăng lên.
Giá dầu thô còn chịu áp lực giảm từ việc đồng USD tăng vọt lên mức cao nhất trong gần 20 năm trở lại đây sau khi FED tăng mạnh lãi suất. Điều này khiến các loại hàng hoá, nguyên liệu thô vốn được định giá bằng đồng USD trở nên kém hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ loại tiền tệ khác.
Ông Edward Moya nhận định giá dầu thô thế giới sẽ giao dịch ổn định xung quanh mốc 100 USD/thùng và giá khó có thể giảm thêm nữa vì thị trường vẫn có thể đối mặt tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu từ Nga dưới tác động từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây, và mùa mưa bão tại Bắc Mỹ đã đến, khiến nguồn cung dầu từ vùng Vịnh Mexico có thể đứt gãy ngắn hạn.