Năm 2017 qua đi, để lại trong lòng những người thợ mỏ Than Nam Mẫu nhiều ấn tượng sâu sắc. Một năm với nhiều con số “đẹp”, đáng khát khao ước vọng. Bên cạnh các chỉ tiêu kinh tế, như doanh thu lợi nhuận, sản xuất than nguyên khai… đều tăng so với năm trước, thì các chỉ tiêu liên quan đến người lao động đều có mức tăng vượt bậc.
Cụ thể, năng suất lao động tăng 12% so với kế hoạch giao; thu nhập bình quân tăng 12%. Được biết, đơn giá tiền lương của thợ lò năm 2017 đã tăng 15% so với năm 2016 và đạt 14,8 triệu đồng/ người/tháng. Trong đó, thợ lò có thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng là 62 người; thợ lò có thu nhập từ 15-20 triệu đồng/tháng là 803 người và thợ lò có thu nhập từ 12-15 triệu đồng/tháng là 1.184 người.
Đây là động lực mạnh mẽ để Than Nam Mẫu bước vào 2018 với khí thế thi đua quyết liệt ngay từ những ngày đầu, tháng đầu. Khi chúng tôi đến Than Nam Mẫu vào những ngày giáp Tết nhân dịp Công ty tổ chức buổi gặp mặt 200 gia đình cán bộ-công nhân tiêu biểu xuất sắc, cũng là lúc phòng kế toán vừa kịp tổng kết, công bố một chỉ tiêu không thể vui hơn: Lợi nhuận tháng 1/2018 của Công ty đạt 17 tỷ đồng, bằng 56% kế hoạch cả năm.
Buổi gặp mặt là điểm nhấn trong chuỗi hoạt động lo tết cho thợ mỏ của Than Nam Mẫu. Khách mời là những cán bộ-công nhân tiêu biểu-xuất sắc cùng phu quân, phu nhân. Chương trình được tổ chức trang trọng trong không gian ấm áp, gần gũi, cùng sự góp mặt của các nghệ sỹ nổi tiếng đã mang đến những cảm xúc đặc biệt.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hoa chia sẻ: “Mình có chồng làm ở Than Nam Mẫu, nên có nhiều dịp đến với buổi gặp mặt cuối năm. Nhưng mỗi lần nhận được giấy mời từ Công ty đều có những cảm xúc rất khác biệt. Mỗi năm lại cảm nhận được sự quan tâm của Than Nam Mẫu hơn đối với tập thể cán bộ, công nhân viên”.
Chị Nguyễn Thị Thanh HoaChị Nguyễn Thị Hiền, vợ một công nhân tiêu biểu-xuất sắc cho biết: “Nhận được giấy mời, mình từ quê lên đây. Hôm nay rất phấn khởi vì lãnh đạo Than Nam Mẫu đã ghi nhận những người vợ, người chồng như là hậu phương vững chắc cho mỗi cán bộ, người lao động của Than Nam Mẫu yên tâm cống hiến hết mình cho Công ty”.
Chị Nguyễn Thị HiềnTrong lời chúc mừng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Nguyễn Văn Thành cho rằng, trong sự nỗ lực không ngừng của hơn 4.500 cán bộ, người lao động vào thành tích chung, có sự đóng góp quan trọng của những cán bộ-công nhân tiêu biểu, xuất sắc. Chính họ, từ họ đã lan tỏa ra tinh thần năng động, sáng tạo, hiệu quả, tạo nên không khí lao động hăng say, bền bỉ, vượt khó trong toàn Công ty.
Vì sao mỗi năm số cán bộ-công nhân tiêu biểu xuất sắc lại tăng thêm? Làm gì để mỗi người lao động có thêm động lực phấn đấu trở thành cán bộ-công nhân tiêu biểu xuất sắc? Giám đốc Nguyễn Văn Thành phân tích, trước hết phải nói đến việc chuẩn bị sản xuất, đến đầu tư công nghệ. Than Nam Mẫu tiếp tục áp dụng một số công nghệ mới trong khai thác hầm lò, như chống neo bê tông Sika kết hợp cốt thép và chống Neo chất dẻo kết hợp cốt thép tại 4 phân xưởng đào lò là: ĐL1, Đl2, ĐL3, ĐL6. Công nghệ chống Neo được triển khai với sự hỗ trợ của các thiết bị hiện đại như: Máy khoan gương: YT-28, khoan khí nén 7665, khoan xiết neo, máy khoan lấy mẫu: MYT-125/380, MDK-30, máy rút thử tải Neo: LDZ-200, máy phun bê tông ZSP-5… nên tiến độ thực hiện luôn đạt từ 75 đến 80 mét/tháng.Đồng thời, với Công nghệ khai thác bằng giàn chống mềm ZRY, chỉ sau hơn 2 tháng đưa vào vận hành đã cho thấy các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của lò chợ đạt được tương đối khả quan, sản lượng khai thác đạt 8.000 tấn/tháng, năng suất lao động đạt 6,5 tấn/công, chi phí mét lò chuẩn bị và tổn thất than đều giảm so với các lò chợ áp dụng công nghệ khai thác lò dọc vỉa phân tầng.
Thứ hai, việc vận chuyển công nhân ra vào lò, vận chuyển công nhân đi làm việc đều được cơ giới hóa nên người lao động không bị tiêu phí sức lực.
Thứ ba, tích cực chăm lo đời sống, sử dụng có hiệu quả các công trình phục vụ người lao động như: Đưa nước uống sạch đến tận nơi làm việc, uống chè giải khát cuối ca, phát xà phòng tắm, hệ thống rửa mũi… và chế độ ăn định lượng thợ lò luôn được cải thiện và nâng cao chất lượng…
Cùng chúc nhau những điều tốt lànhThứ tư, cơ chế tiền lương, tiền thưởng rõ ràng, minh bạch. Trước đây, Công ty trả lương mỗi ca bằng điểm cho khối sản xuất hầm lò thì từ tháng 7/2015 Than Nam Mẫu đã áp dụng việc trả lương quy đổi thành tiền và công khai bảng lương nguyên thủy (chậm nhất là sau 48 tiếng) tại nhà giao ca các đơn vị. Điều này đã tạo sự minh bạch và công bằng trong công tác trả lương, giúp người lao động có thêm niềm tin, từ đó tạo động lực thi đua lao động sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động, cải thiện thu nhập.
Thứ năm, cơ chế chỉ đạo điều hành sản xuất của Tập đoàn TKV có sự đổi mới mạnh mẽ, tạo điều kiện cho các công ty thành viên chủ động điều hành sản xuất. Vì được chủ động, nên trên cơ sở quỹ tiền lương kế hoạch TKV giao, Công ty đã xây dựng phương án tiền lương cụ thể cho từng đối tượng nhằm tăng thu nhập các đối tượng lao động trực tiếp, lao động trong các dây truyền quan trọng ảnh hưởng lớn đến kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty, cụ thể như:
- Tăng đơn giá tiền lương thợ lò lên 15% so với năm 2016.
- Tăng đơn giá tiền lương lao động phục vụ, phụ trợ trong lò từ 5% đến 12% so với năm 2016.
- Tăng đơn giá tiền lương cho một số vị trí lao động quan trọng, chủ chốt ngoài mặt bằng từ 3% đến 10% so với năm 2016.
- Xây dựng phương án trả lương trên cơ sở đảm bảo không có đối tượng có thu nhập thấp hơn 4,1 triệu đồng.
Đây là những điều kiện tạo ra động lực khiến người lao động luôn cống hiến hết mình cho Than Nam Mẫu, vì tiền lương, thu nhập, phúc lợi xã hội của mỗi người gắn bó với sự phát triển của Công ty theo kiểu “nước lên-thuyền lên”. Đây cũng là động lực khiến mỗi người lao động đều tích cực phấn đấu trở thành người cán bộ-công nhân tiêu biểu xuất sắc, vì mỗi nấc thăng tiến, đều gắn với thu nhập và sự tín nhiệm, vinh danh của tập thể.