Ngày 28 tháng 10 năm 2015, các doanh nghiệp thép nội địa Hoa Kỳ đã nộp đơn kiện chống bán phá giá sản phẩm ông thép cuộn cacbon (tên tiếng Anh: Circular Welded Carbon Quality Steel Pipe - CWP) của 5 quốc gia, gồm Việt Nam, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Oman, Philippines và Pakistan lên Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) và Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC). Trong đó, sản phẩm ống thép cuộn cacbon của Pakistan đồng thời bị đề nghị điều tra chống trợ cấp.
Các sản phẩm ống thép cuộn cacbon chịu sự điều tra gồm (theo mã HS): 7306.19.1010, 7306.19.1050, 7306.19.5110, 7306.19.5150, 7306.30.1000, 7306.30.5025, 7306.30.5032, 7306.30.5040, 7306.30.5055, 7306.30.5085, 7306.30.5090, 7306.50.1000, 7306.50.5050 và 7306.50.5070.
Các doanh nghiệp thép nội địa Hoa Kỳ nộp đơn kiện (nguyên đơn) gồm: Công ty Bull Moose Tube Company, Công ty EXLTUBE, Công ty Wheatland Tube và Công ty Western Tube & Conduit.
Các doanh nghiệp Việt Nam bị nêu trong đơn kiện (bị đơn) gồm: Công ty TNHH Sujia Steel Pipe; Công ty TNHH Vietnam Pipe; Công ty TNHH Thép SeAH Việt Nam. Phía nguyên đơn Hoa Kỳ lưu ý rằng còn nhiều các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam chưa được biết đến. Theo cáo buộc của phía nguyên đơn, biên độ phá giá của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam là 103,83%.
Tính đến thời điểm hiện tại, đây là vụ kiện chống bán phá giá thứ 2 đối với sản phẩm ống thép cuộn cacbon của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ và là vụ kiện thứ 6 đối với các sản phẩm thép của Việt Nam trong năm 2015.
Trước đó, vào năm 2011, Hoa Kỳ đã đồng thời tiến hành điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm ống thép cuộn cacbon của Việt Nam và một số quốc gia khác. Tuy nhiên, vụ diều tra này đã được chấm dứt khi DOC xác định biên độ trợ cấp của các doanh nghiệp Việt Nam là 0% đồng thời ITC ra quyết định cuối cùng xác định rằng không có thiệt hại đối với doanh nghiệp thép nội địa Hoa Kỳ.
Theo quy định, trong vòng 20 ngày kể từ ngày đơn kiện hợp lệ được nộp chính thức, DOC sẽ bắt đầu tiến hành khởi xướng điều tra vụ việc.