Doanh số bán xe tháng 6/2023 sẽ tiếp tục ảm đạm
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán xe ô tô tại thị trường trong nước 5 tháng đầu năm 2023 giảm tới 36% so với cùng kỳ, chỉ đạt 113.527 chiếc. Trong đó, doanh số bán xe cá nhân và xe lắp ráp (CKD) lần lượt giảm 43% và giảm 40% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu do ưu đãi giảm thuế trước bạ trước đây kết thúc, kết hợp với việc lãi suất cho vay mua ô tô cao khiến nhu cầu yếu.
Một thành viên khác ngoài VAMA là Tập đoàn Thành Công (TC Group) - đơn vị lắp ráp và phân phối xe Hyundai cũng ghi nhận kết quả không khả quan trong 5 tháng đầu năm nay. Doanh số bán xe của Huyndai chỉ đạt 22.903 chiếc, giảm 28,6% so với 5 tháng đầu năm 2022. Tương tự, VinFast chỉ bán được 8.483 chiếc, giảm 30,4% so với 5 tháng đầu năm 2022 do hãng này ngừng bán xe máy xăng từ cuối quý 4/2022.
Đáng chú ý, lượng hàng tồn kho tại các hãng xe và nhà phân phối có thể vẫn còn ở mức khá cao. Theo Tổng cục Hải quan, tính chung 5 tháng đầu năm nay, cả nước đã nhập khẩu 61.974 xe ô tô nguyên chiếc, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2022. Để giải bài toán tồn kho cao, các hãng xe và nhà phân phối đang áp dụng chính sách giảm giá mạnh, lên tới 100% lệ phí trước bạ cùng nhiều hình thức khuyến mại hấp dẫn khác. Tuy nhiên, VNDIRECT Research nhận định doanh số bán xe trong tháng 6/2023 vừa qua cũng sẽ kém tích cực.
Kỳ vọng thị trường chạm đáy từ quý 3/2023
VNDIRECT Research dự báo doanh số bán xe ô tô tại Việt Nam có thể chạm đáy từ quý 3/2023 với kỳ vọng lãi suất giảm và chính sách ưu đãi từ Chính phủ sẽ là hai động lực chính cho sự phục hồi của ngành ô tô trong nửa cuối năm nay. Cụ thể:
Thứ nhất, lãi suất cho vay mua ô tô có thể giảm xuống hơn nữa trong thời gian tới. Ngày 23/5/2023, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh giảm 0,5 điểm phần trăm một số lãi suất điều hành. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại cũng đã tiếp tục giảm lãi suất huy động các kỳ hạn từ tháng 5/2023. Hiện mặt bằng chung lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng niêm yết tại các ngân hàng thương mại đã giảm xuống dưới 8%/năm. Do đó lãi suất cho vay nhiều khả năng sẽ giảm trong nửa cuối năm 2023, qua đó thúc đẩy nhu cầu đối với các mặt hàng xa xỉ như ô tô.
Thứ hai, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 36/2023/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/06/23 đến hết năm nay. Hết thời gian gia hạn theo Nghị định này, việc nộp số thuế này sẽ được thực hiện theo quy định hiện hành. Từ năm 2020, đây là lần thứ 4 thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được gia hạn nhằm hỗ trợ và phục hồi sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Ngoài ra, Chính phủ đã thông qua đề án giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước, có hiệu lực từ 01/07 đến hết năm 2023.
Trước đó, sau khi được áp dụng giảm lệ phí trước bạ trong nửa cuối năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2022, tổng doanh số bán xe ô tô toàn thị trường chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ. Đặc biệt, doanh số bán xe ô tô con trong nửa cuối 2020 đạt 189.451 chiếc, tăng 76% so với 6 tháng đầu năm 2020. Trong khi con số này trong 6 tháng đầu năm 2022 là 252.932 chiếc, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2021.
Cổ phiếu VEA, HAX sẽ hưởng lợi?
Với những động lực phục hồi trong nửa cuối năm nay như trên, VNDIRECT Research đánh giá Công ty Cổ phần Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (mã cổ phiếu: HAX - sàn: HoSE) và Tổng công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam (VEAM, mã cổ phiếu: VEA – sàn: UPCoM) sẽ là hai doanh nghiệp ngành ô tô niêm yết được hưởng lợi lớn nhất.
Trong đó, Ô tô Hàng Xanh hiện là nhà phân phối xe Mercedes-Benz số 1 Việt Nam với gần 40% thị phần trên cả nước; hầu hết các mẫu xe Mercedes-Benz đều được lắp ráp trong nước.
Xem thêm các bài viết về cổ phiếu HAX trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Trong năm nay, Ô tô Hàng Xanh đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức 310 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2022. Trong năm ngoái, công ty ghi nhận kết quả kinh doanh cao kỷ lục với doanh thu đạt gần 6.780 tỷ đồng, và lợi nhuận trước thuế hơn 300 tỷ đồng, lần lượt tăng 22% và 50% so với năm 2021. Trong cơ cấu doanh thu của doanh nghiệp, hơn 90% đến từ mảng kinh doanh xe, còn lại đến từ thu dịch vụ sửa chữa và bán phụ tùng...
Đối với VEAM, công ty này đang sở hữu cổ phần tại 3 doanh nghiệp xe ô tô lớn tại Việt Nam, gồm: Honda Việt Nam (30% cổ phần), Toyota Việt Nam (20% cổ phần) và Ford Việt Nam (20% cổ phần). Trong đó, Toyota được kỳ vọng tiếp tục giành thị phần trong nửa cuối 2023-24 nhờ các tính năng/giá hấp dẫn như Corolla Cross (CBU, SUV nhỏ gọn) và Veloz (CBU, MPV) và tận dụng lợi thế từ việc giảm thuế trước bạ.
Trong năm nay, VEAM đặt mục tiêu doanh thu của Công ty mẹ trong năm nay ở mức 1.187,3 tỷ đồng, gấp hơn 2,2 lần so với mức thực hiện của năm 2022; tuy nhiên, mục tiêu lợi nhuận sau thuế chỉ ở mức 5.6994 tỷ đồng, tăng 1,2% so với mức thực hiện trong năm ngoái.
Trong năm 2022, Công ty mẹ đã thực hiện vượt lần lượt 11%, 25% về doanh thu tài chính (5.918 ngàn tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế (5.623,9 ngàn tỷ đồng).