Kết thúc nửa đầu năm nay, Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post, mã cổ phiếu VTP - sàn HoSE) ghi nhận kết quả kinh doanh khá ảm đạm khi doanh thu gần như đi ngang so với cùng kỳ năm trước, đạt 9.600 tỷ đồng, và lãi ròng giảm 13%, còn 191 tỷ đồng. Qua đó, hoàn thành 41% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Tuy nhiên, bóc tách dữ liệu cho thấy, mạng kinh doanh cốt lõi là Dịch vụ (bao gồm cả dịch vụ logistics B2B và dịch vụ chuyển phát nhanh), doanh thu trong nửa đầu năm đã tăng 25%, đạt 5.700 tỷ đồng. Mức tăng trưởng này gần đạt với kế hoạch tăng 30%/năm trong vài năm tới của ban lãnh đạo Viettel Post.
Ngược lại, doanh thu mảng không cốt lõi là Thương mại tiếp tục giảm 23% so với nửa đầu năm ngoái, chỉ còn 3.900 tỷ đồng, phù hợp với chiến lược cắt giảm mảng không cốt lõi của ban lãnh đạo. Dự kiến kết quả kinh doanh của mảng này sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới khi Viettel Post dồn lực cho mảng Dịch vụ.
Trong năm nay, ban lãnh đạo Viettel Post cho biết đã đạt công suất gần 2 triệu bưu kiện/ngày nhờ việc đưa vào vận hành thêm kho phân loại thông minh Quang Minh (Hà Nội) từ đầu năm 2024, giúp rút ngắn thời gian giao hàng thêm tối đa 8 - 10 giờ so với những năm trước. Do đó, theo đánh giá mới đây của SSI Research, Viettel Post sẽ tận dụng sự cải thiện về công suất và chất lượng này để gia tăng thị phần, hướng tới cải thiện lợi nhuận trong thời gian tới.
Theo công bố sơ bộ từ Bộ Thông tin và Truyền thông, trong quý 3/2024, Viettel Post đã ghi nhận khoảng 2.600 tỷ đồng doanh thu dịch vụ, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, giúp lợi nhuận trước thuế đạt 133 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,3% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, Viettel Post dự kiến sẽ đưa công viên logistics tại Lạng Sơn đi vào hoạt động từ đầu tháng 12/2024. Dự án này được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy phát triển logistics đối với thương mại điện tử xuyên biên giới và cửa khẩu thông minh. Đây là hai trọng tâm phát triển chiến lược đã được Viettel Post công bố tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024.
Vào tháng 3/2024, Viettel Post cũng đã ký kết thoả thuận hợp tác với chính quyền TP.Bằng Tường và TP.Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) để thành lập văn phòng đại diện và xây dựng Trung tâm giao dịch nông sản Trung Quốc - ASEAN.
Tính đến thời điểm hiện tại, Viettel Post đang là đơn vị logistics đầu tiên của Việt Nam hợp tác với chính quyền địa phương tại Trung Quốc để hoàn thiện hạ tầng mạng lưới vận chuyển xuyên biên giới.
Viettel Post cho biết đang lên kế hoạch đưa vào khai thác 12 đoàn tàu đường sắt nội địa Bắc Nam và liên vận Việt - Trung, cung cấp dịch vụ vận tải, thông quan, vận chuyển container lạnh trong năm nay. Ngoài ra, sẽ triển khai 9 tuyến vận tải xuyên biên giới đường bộ giữa các nước ASEAN với Trung Quốc.
Ban lãnh đạo Viettel Post nhấn manh sẽ tăng cường đầu tư vào lĩnh vực logistics và tích hợp sâu hơn vào chuỗi cung ứng sản xuất và phân phối. Mục tiêu cuối cùng là hoàn thiện mạng lưới logistics tại Việt Nam và giảm chi phí logistics cho nền kinh tế.
Theo SSI Research, Viettel Post đang tìm hiểu các cơ hội để đầu tư vào 3 phân khúc chính, gồm: dịch vụ logistics B2B cho các nhà sản xuất và bán lẻ trong nước; dịch vụ giao hàng B2C cho thương mại điện tử xuyên biên giới; và dịch vụ logistics biên giới thông minh B2B.
Viettel Post đang trong quá trình đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho các phân khúc mới trên và có thể bắt đầu triển khai dịch vụ mới có liên quan kể từ năm 2025. Do đó, ban lãnh đạo tổng công ty dự báo chi phí vốn đầu tư trong giai đoạn 2024 - 2025 sẽ cao hơn những năm trước, vào khoảng 1.000 - 2.000 tỷ đồng.