Độc đáo công nghệ bụi thông minh với vô số ứng dụng

Hãy tưởng tượng một thế giới nơi các thiết bị không dây chỉ nhỏ như một hạt muối song vẫn có cảm biến, máy ảnh và nhiều cơ chế truyền thông để truyền dữ liệu mà chúng thu thập để xử lý.

Thế giới nói trên sẽ không còn là tưởng tượng ngày nay với hệ thống vi điện cơ (MEMS), thường được gọi là vi vật thể. MEMS đã xuất hiện và có thể sẵn có tại một khu phố Tây phương.

Theo Forbes, MEMS được trang bị cảm biến thu nhỏ, có thể phát hiện mọi thứ từ ánh sáng, rung động đến nhiệt độ. Với lượng năng lượng đáng kinh ngạc được đóng gói trong kích thước nhỏ chỉ vài milimet, MEMS bao gồm chức năng cảm biến, một nguồn cung cấp năng lượng tự động hóa, khả năng tính toán và truyền thông không dây. Với kích thước nhỏ như thế, thiết bị có thể bay trong môi trường hệt như một hạt bụi.

Dù nhỏ nhưng MEMS lại có rất nhiều “võ”. Vài tính năng tiêu biểu của MEMS là: Thu thập dữ liệu gồm áp lực, áp suất, độ ẩm, âm thanh và nhiều hơn nữa từ cảm biến; xử lý dữ liệu cho hệ thống máy tính; lưu trữ dữ liệu trong bộ nhớ; truyền thông không dây dữ liệu đến đám mây, cơ sở hoặc các MEMS khác.

Vì các thành phần cấu tạo thiết bị này được in 3D theo một khối từ máy in 3D thương mại, chúng có thể xử lý số lượng phức tạp đáng kinh ngạc cùng một số rào cản trước đó trong việc in cực nhỏ. Ống kính quang học được tạo ra để các cảm biến thu nhỏ này có thể đạt được hình ảnh có chất lượng tốt nhất.

Bụi thông minh có tiềm năng được sử dụng để thu thập thông tin về bất kỳ môi trường nào. Vì thế, nó có thể tác động và thay đổi nhiều mặt trong các ngành công nghiệp, từ an toàn cho đến tuân thủ năng suất. Nó giống như việc nhân rộng công nghệ internet vạn vật (IOT) ra hàng triệu, hàng tỉ lần.

Một số ví dụ ứng dụng bụi thông minh trong thực tế kinh doanh và cuộc sống có thể kể đến là: Giám sát thiết bị để tạo điều kiện bảo trì kịp thời hơn; xác định điểm yếu và sự ăn mòn trước khi hệ thống hỏng; cho phép giám sát không dây con người và sản phẩm vì mục đích an ninh, bảo mật; tăng cường kiểm soát hàng tồn kho với MEMS để theo dõi sản phẩm từ kệ trong cơ sở sản xuất đến đóng gói, vận chuyển đến nơi bán lẻ.

Trong y tế, bụi nhân tạo có thể được dùng trong quy trình chẩn đoán mà không cần phẫu thuật, dùng để theo dõi các thiết bị giúp người khuyết tật tương tác với nhiều công cụ giúp họ sống một cách độc lập. Giới nghiên cứu tại Đại học California Berkeley còn công bố nghiên cứu về tiềm năng bụi thần kinh, một hệ thống cấy ghép được rắc lên não người để cung cấp phản hồi về chức năng não bộ.

Dù có nhiều ứng dụng độc đáo, bụi thông minh cũng còn không ít tồn tại, chẳng hạn như mối lo ngại về quyền riêng tư, giá cả và sự kiểm soát. Nhiều người hiểu về sản phẩm này lo ngại về các vấn đề riêng tư, vì bụi thông minh là các cảm biến siêu nhỏ, có thể ghi lại mọi thứ mà chúng được lập trình để ghi nhận. Vì quá nhỏ nên chúng rất khó để phát hiện.

1 tỉ hạt bụi thông minh được triển khai trong một khu vực có thể rất khó để được quản lý, truy xuất nếu cần. Cũng vì quá nhỏ nên bạn sẽ rất khó phát hiện ra chúng nếu không hay về sự hiện diện của chúng. Cuối cùng, như bất kỳ công nghệ mới nào, chi phí để thiết lập hệ thống bụi thông minh bao gồm nhiều vệ tinh và các yếu tố cần thiết khác là cao. Vì rào cản chi phí, công nghệ có thể khó đến được với số đông trong tương lai gần.


Theo Thanhnien