Trước tình hình giá dầu giảm sốc chưa từng có trong lịch sử, Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đang phải đối mặt với những thách thức to lớn, đòi hỏi những nỗ lực vượt bậc ứng phó với biến động thị trường.
Nhận định được những khó khăn và thách thức, ngay từ đầu năm, PVEP đã xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Cùng với sự tích cực phòng, chống dịch Covid-19, PVEP đã chủ động xây dựng, dự báo các kịch bản về giá dầu, kể cả đối với tình trạng xấu nhất; thường xuyên báo cáo, cập nhật tình hình, trao đổi thông tin với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị để có các giải pháp ứng phó kịp thời với những tình huống xảy ra ảnh hưởng đến công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, hoạt động cốt lõi của PVN.
Hầu hết các dự án khai thác dầu khí trên thế giới đều gặp khó khăn, thua lỗ, bao gồm cả các dự án có sản lượng lớn, điều kiện khai thác thuận lợi. Thực tế, PVEP đang quản lý nhiều mỏ nhỏ, cận biên, địa chất phức tạp, khó tránh khỏi tình trạng các dự án khai thác thu không đủ bù chi. Mặc dù vậy Tổng Công ty đã chủ động ứng phó với tác động của dịch Covid-19 và giá dầu lao dốc, cùng sự nỗ lực, chia sẻ của ban lãnh đạo và tập thể người lao động
Qua đó PVEP đã có kiến nghị PVN hỗ trợ đàm phán với các đơn vị dịch vụ trong ngành nhằm đưa ra các giải pháp tháo gỡ kịp thời, giảm giá dịch vụ trong bối cảnh thị trường đang gặp khó khăn, nhằm tiết giảm chi phí tối đa và nỗ lực duy trì hoạt động của các dự án. PVEP chủ động triển khai gói giải pháp tổng thể cùng PVN và các giải pháp cụ thể cho lĩnh vực E&P để tối ưu quản trị, cải thiện dòng tiền. Cùng với việc xây dựng kịch bản ứng phó với từng mức giá dầu, PVEP đã rà soát tất cả dự án khai thác đang hoạt động để xem xét cụ thể phương án vận hành, kế hoạch khai thác trong tình hình mới, trong đó xem xét kỹ đến các yếu tố liên quan như giá thành, năng lực các kho chứa, khả năng tiêu thụ - xuất bán, các vấn đề kỹ thuật của dự án, việc cung ứng vật tư.
PVEP quyết liệt cùng các nhà điều hành tìm mọi biện pháp tiết giảm chi phí vận hành, bước đầu đạt một số kết quả khả quan: Tổng tiết giảm hơn 1.300 tỉ đồng; đồng thời cắt giảm 85 tỉ đồng chi phí quản lý (10%); tiết giảm chi phí hành chính 10-30%.
Để đảm bảo các dự án khai thác ổn định, PVEP đã đề ra phương hướng, gia tăng sản lượng khai thác tại dự án có giá thành thấp; cùng các nhà đầu tư kiểm soát chi phí để bảo đảm dòng tiền và chi phí thấp nhất; đẩy nhanh tiến độ sửa chữa giếng, bảo trì, sửa chữa giàn, thiết bị để đáp ứng gia tăng khai thác khi giá dầu hồi phục; giãn giải ngân vào các hạng mục, công việc cho dài hạn; huy động hạn mức tín dụng trung và ngắn hạn đến 300 triệu USD để bảo đảm thanh khoản cùng việc tiết giảm chi phí tài chính, lãi vay; tiết giảm, tiết kiệm chi phí bộ máy tối thiểu 5-15% theo từng hạng mục; tăng cường truyền thông để toàn thể CBCNV nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, sẻ chia, cùng nỗ lực lao động sáng tạo, chung sức, chung lòng đưa PVEP vượt qua khó khăn, thách thức.
Theo kế hoạch được phê duyệt từ đầu năm, tổng chi phí vận hành của các dự án khai thác năm 2020 là 10.948 tỉ đồng với mức giá dầu 60 USD/thùng. Trong giai đoạn hiện nay, nhằm thích ứng với tình hình, PVEP quyết liệt cùng các nhà điều hành tìm mọi biện pháp tiết giảm chi phí vận hành, bước đầu đạt một số kết quả khả quan: Tổng tiết giảm hơn 1.300 tỉ đồng; đồng thời cắt giảm 85 tỉ đồng chi phí quản lý (10%) so với kế hoạch PVN phê duyệt; tiết giảm chi phí hành chính 10-30%.
Về các giải pháp thị trường, PVEP đã tích cực làm việc với PVN và các đối tác, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất để xuất bán các lô dầu trong tháng 4 và 5-2020 thuộc các mỏ có hợp đồng mua dầu dài hạn, tránh ảnh hưởng đến sản xuất, đồng thời thúc đẩy phương thức bán dầu tối ưu trong nửa cuối năm phù hợp với tình hình khai thác thực tế của từng mỏ. Về tiêu thụ khí, PVEP cũng có những đề xuất cụ thể với PVN về nhận tối đa lượng khí đồng hành với giá bán hợp lý để giúp các dự án trọng điểm ổn định sản xuất.
Đối với nhóm giải pháp tài chính, theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước liên quan đến ảnh hưởng của dịch Covid-19, PVEP đã và đang tích cực làm việc với các ngân hàng để cơ cấu lại lịch trả nợ gốc năm 2020, đàm phán giảm lãi suất các khoản vay hiện hữu và thúc đẩy các khoản vay ngắn hạn, thu xếp vốn cho các dự án trọng điểm nhằm bảo đảm dòng tiền, triển khai kịp thời các công việc.
PVEP đã đạt được một số kết quả khích lệ trong 3 tháng đầu năm 2020. Cụ thể, đến hết quý I/2020, PVEP đã khai thác được được 1,02 triệu tấn quy dầu (0,73 triệu tấn dầu và 294 triệu m3 khí), đạt 102% kế hoạch quý; doanh thu đạt 5.947 tỉ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 1.551 tỉ đồng.
Những kết quả ban đầu của việc triển khai các giải pháp ứng phó trong giai đoạn hiện nay là tiền đề để PVEP đạt được các mục tiêu chính trong năm 2020, hoàn thành sản lượng khai thác, sản xuất an toàn, phát triển bền vững.