Vừa qua, Tập đoàn Ørsted (Đan Mạch) thông báo ghi nhận lỗ ròng lên tới 2,9 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2023, chủ yếu là do việc ngưng phát triển 02 dự án điện gió ngoài khơi lớn tại Mỹ (Ocean Wind 1 và Ocean Wind 2). Tập đoàn Ørsted hiện là tập đoàn năng lượng tái tạo hàng đầu thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực điện gió.
Tập đoàn Ørsted cho biết việc dừng hai dự án điện gió trên đến từ tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng, thiếu tàu kỹ thuật phù hợp, và lãi suất tăng khiến tình hình tài chính của các dự án trên trở nên kém khả quan.
Đáng chú ý, tập đoàn này cũng cho biết các thách thức trên cũng tác động tiêu cực đến tiến độ triển khai loạt dự án điện gió ngoài khơi khác, bao gồm dự án Greater Changhua 1 và 2a tại Đài Loan (Trung Quốc).
Điều này đã khiến một số nhà đầu tư lo ngại sẽ gây tác động dây chuyền đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã cổ phiếu PVS - sàn HNX).
Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí hiện đang thi công gói thầu xây dựng 33 chân đế cho dự án Greater Changhua 2a và 4 của Tập đoàn Ørsted với tổng giá trị hợp đồng lên tới 320 triệu USD. Tập đoàn Ørsted hiện cũng là khách hàng lớn nhất trong mảng cơ khí & xây dựng (M&C) cho lĩnh vực điện gió ngoài khơi của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí.
Hãng chứng khoán Vietcap đã có trao đổi với ban lãnh đạo Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí về vấn đề trên. Theo ban lãnh đạo Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, Tập đoàn Ørsted đã chi trả dòng tiền ổn định cho công ty và công ty đang thi công đúng tiến độ để bắt đầu bàn giao 4 trong số 33 chân đế cho Tập đoàn Ørsted kể từ tháng 4/2024, tiến tới hoàn thành toàn bộ gói thầu vào giữa năm 2025.
Bên cạnh đó, mặc dù có mức lỗ ròng lớn, Tập đoàn Ørsted vẫn đang ghi nhận dòng tiền dương từ hoạt động kinh doanh (CFO) lớn, đạt tổng cộng 3,3 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2023, cải thiện mạnh so với mức âm 1,3 tỷ USD trong cùng kỳ năm 2022.
Đồng thời, khảo sát của hãng tin Bloomberg đối với các chuyên gia phân tích cho thấy sự đồng thuận cao trong dự báo Tập đoàn Ørsted sẽ ghi nhận lãi ròng hồi phục về mức 1,5 tỷ USD trong năm 2024 và 1,6 tỷ USD trong năm 2025.
Ngoài ra, tập đoàn này sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các dự án năng lượng tái tạo, với vốn đầu tư xây dựng cơ bản ước đạt trung bình 6 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2024-2026, cao hơn khoảng 50% so với mức trung bình giai đoạn 2018 - 2022.
Do đó, việc Tập đoàn Ørsted có mức lỗ ròng lớn trong 9 tháng đầu năm 2023 cũng không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí. Đồng thời, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí vẫn có nhiều cơ hội hưởng lợi từ việc Tập đoàn Ørsted mở rộng kinh doanh.
Mặt khác, tại thị trường Đài Loan (Trung Quốc), vẫn còn có những tập đoàn năng lượng tái tạo lớn đang lên kế hoạch triển khai các dự án quy mô lớn như Copenhagen Infrastructure Partners (CPI). Các dự án này có thể bù đắp rủi ro giảm khối lượng việc từ Tập đoàn Ørsted đối với Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí.
Trước đó, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC (PTSC M&C) – đơn vị thành viên của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đã được CPI lựa chọn là nhà cung cấp ưu tiên cho hạng mục trạm biến áp ngoài khơi của Dự án Fengmiao tại Đài Loan (Trung Quốc).
Ngoài ra, Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (mã cổ phiếu REE) đang lên kế hoạch triển khai dự án điện gió ngoài khơi với các đối tác vào năm 2025 nếu cơ chế giá thuận lợi được đưa ra trong năm 2024. Đây có thể mở ra phần việc mới tại thị trường nội địa cho Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí.
Trên thị trường chứng khoán, trong ngày 04/01, cổ phiếu PVS có giá tham chiếu tại mức 38.200 đồng/cổ phiếu.