Kinh tế đối ngoại khả quan
Khoảng 1.600 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Quốc hội, các địa phương, tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp, trong đó có 1.000 đại biểu doanh nghiệp… tham dự sự kiện
Ngoài ra còn có đại diện các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp (DN) như WB, ADB, AFD, JICA,KOICA, USAID, VCCI, Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam, Hiệp hội DN Mỹ tại Việt Nam, Hiệp hội DN Nhật Bản, Hiệp hội DN Hàn Quốc… cùng các DN (trong và ngoài nước), chuyên gia, nhà kinh tế…
Tại Hội nghị, Thủ tướng phấn khởi cho biết nền kinh tế Việt Nam có những bước phát triển vững chắc. Điển hình, tỷ lệ nợ công còn 56% GDP tạo dư địa rất lớn để huy động vốn vào phát triển hạ tầng.
Thu hút FDI tăng 32 tỷ USD, giải ngân đạt 17,7 tỷ USD, cao nhất trong các năm gần đây. Năng lực cạnh tranh quốc gia được Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá tăng 10 bậc, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,45% theo tiêu chí của Liên Hợp Quốc, được đánh giá giảm nghèo tốt.
Đồng thời tầng lớp trung lưu tăng lên nhanh, hiện trên 15%. Chính phủ phấn đấu trước 2030, tầng lớp trung lưu tăng lên 50% dân số, tạo nên một thị trường hấp dẫn.
Số liệu thống kê cũng cho thấy kinh tế đối ngoại đạt những kết quả khả quan. Xuất siêu 11 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm, dự trữ đạt mức kỷ lục 73 tỷ USD.
Theo tiêu chí đánh giá của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), quy mô dự trữ ngoại hối sẽ được tính bằng số tuần nhập khẩu, theo đó quy mô phải tương đương từ 12-14 tuần nhập khẩu thì quốc gia sẽ được coi là đủ dự trữ ngoại hối.
Nếu theo giá trị nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 11 tháng đầu năm 2019 là 232 tỷ USD, thì quy mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay tương đương trên 15 tuần nhập khẩu, được xem là đủ an toàn trong thời điểm hiện nay.
Khuyến khích doanh nghiệp
Đối thoại với doanh nghiệp, Thủ tướng khuyến nghị 2 điều. Một là doanh nghiệp nêu những khó khăn, trở ngại, vướng mắc về các vấn đề: Quy hoạch, tiếp cận đất đai, vốn tín dụng, công nghệ, lao động, thủ tục hành chính, thuế, hải quan, tiếp cận điện năng, xử lý nước thải…
“Doanh nghiệp có thể thẳng thắn nêu khó khăn về vấn đề thanh tra, kiểm tra chồng lấn kèo dài; cơ quan quản lý Nhà nước dọa nạt doanh nghiệp khi có ý kiến trái chiều, phản biện chính sách”, ông nói.
Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ sẽ đóng vai trò kiến tạo, hỗ trợ để doanh nghiệp tăng sức đề kháng, nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt qua thách thức.
Chính phủ mong muốn các doanh nghiệp hiến kế để nâng cao sự tương tác các bộ ngành, địa phương, để thu hút đầu tư.
Doanh nghiệp có thể chia sẻ sáng kiến hay, mô hình hay của ngành hàng mình, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo…
Hai là, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, doanh nghiệp không được làm ẩu, vi phạm pháp luật.
Các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm sát, tòa án cần thực sự trận trọng quyền con người, quyền công dân, quyền tự do kinh doanh, quyền tài sản… theo Hiến pháp và pháp luật.
Đối thoại trong bối cảnh mới
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại lần thứ nhất với doanh nghiệp ngay khi vừa nhậm chức năm 2016 và sau đó, Chính phủ đã lần đầu tiên ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.
Tới năm 2017, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được ban hành, Thủ tướng tiếp tục chủ trì hội nghị đối thoại với doanh nghiệp lần thứ hai, yêu cầu không được thanh tra doanh nghiệp hơn 1 lần mỗi năm và sau đó, ban hành Chỉ thị tiếp tục triển khai Nghị quyết 35.
Năm 2018, Thủ tướng cũng chủ trì các hội nghị chuyên đề, như hội nghị thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, một lĩnh vực lợi thế lớn của Việt Nam.
Năm nay Hội nghị diễn ra trong bối cảnh mới của nền kinh tế khi Đảng đã đã ban hành 3 nghị quyết cho 3 khu vực của nền kinh tế. Với tinh thần luôn đồng hành cùng doanh nghiệp của Đảng và Nhà nước, cũng như sự nỗ lực vươn lên mạnh mẽ của chính cộng đồng doanh nghiệp, sau hơn 30 năm đổi mới.
Khu vực doanh nghiệp ngày càng phát huy và khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội quốc gia. Tinh thần khởi nghiệp kinh doanh ngày càng mạnh mẽ, thể hiện qua số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cao liên tục trong 5 năm gần đây.
Thời gian qua, doanh nghiệp Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới liên tục lập kỷ lục mới. Trung bình từ 2016-2019, mỗi năm có khoảng 120.000 doanh nghiệp thành lập mới, so với mức 70.000-80.000 doanh nghiệp mỗi năm trước đây.
Riêng năm 2019, tính đến tháng 11 đã có 127.000 doanh nghiệp thành lập mới với 1,5 triệu tỷ đồng vốn, đây là con số rất ấn tượng. Dự tính cả năm nay sẽ có khoảng 138.000 doanh nghiệp thành lập mới và 38.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.
Môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp
Thời gian qua, với thông điệp “Chính phủ kiến tạo”, tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tự do kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp đã phát triển rất nhanh và mạnh.
Hội nghị lần này là sự kiện hết sức quan trọng, có sự tham dự của đông đảo các hiệp hội doanh nghiệp, cả doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, các ngành nghề, các địa phương.
Hội nghị là cơ hội lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, chuyên gia, hiệp hội, tổ chức quốc tế đề xuất các giải pháp và cam kết nỗ lực cùng Chính phủ thúc đẩy lực lượng doanh nghiệp phát triển hiệu quả và bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Chính phủ và các bộ ngành cũng sẽ có các cam kết tháo gỡ vướng mắc môi trường đầu tư kinh doanh các năm tới.