Trong ngày 5/7, tỷ giá giữa đồng Euro so với đồng USD đã giảm tới 1,8% xuống còn 1,0235 USD đổi 1 Euro - mức thấp nhất trong 20 năm trở lại đây. Đồng Euro chịu áp lực giảm mạnh khi giá khí đốt tại châu Âu tăng mạnh làm gia tăng những lo ngại về khu vực này sẽ sớm rơi vào một đợt suy thoái kinh tế mới.
Trong khi đó, đồng USD tăng lên khi lợi suất trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ tăng trở lại. Đồng thời, đà tăng của đồng USD được củng cố nhờ niềm tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) sẽ tiếp tục siết chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát tại Hoa Kỳ.
Ông Derek Halpenny, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường toàn cầu thuộc tập đoàn tài chính MUFG (Nhật Bản), cho biết rủi ro châu Âu rơi vào đợt suy thoái mới ngày càng tăng lên sau khi giá khí đốt tại khu vực này tăng tới 17%. Giá năng lượng tăng vọt càng khiến áp lực lạm phát tại châu Âu tăng lên và buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải mạnh tay siết chặt chính sách tiền tệ hơn nữa. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế khu vực này.
Trong tháng 6/2022, lạm phát tại khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lên tới 8,6% - mức cao nhất kể từ khi đồng Euro được đưa vào sử dụng vào năm 1999. ECB đã cho biết sẽ nâng lãi suất tại phiên họp chính sách vào cuối tháng này. Đây sẽ là đợt nâng lãi suất đầu tiên của ECB trong 11 năm qua.
Khảo sát của hãng nghiên cứu thị trường S&P Global (Hoa Kỳ) cho thấy, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tổng hợp của khu vực Eurozone trong tháng 6 chỉ đạt 52 điểm, giảm so với mức 54,8 điểm trong tháng 5 và chạm mức thấp nhất trong vòng 16 tháng qua.
Nhà kinh tế trưởng S&P Global ông Chris Williamson cho biết “Sự sụt giảm mạnh của tốc độ tăng trưởng kinh tế khiến rủi ro khu vực Eurozone rơi vào suy thoái kinh tế trong quý 3 tăng lên”.