Động lực tăng trưởng của các nền kinh tế ASEAN

Các hoạt động kinh tế sôi động hơn ở Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đang thúc đẩy tăng trưởng chung của khu vực.

Nền kinh tế các nước ASEAN nhìn chung duy trì đà tăng trưởng tốt trong quí 3/2017, sau mức tăng kỷ lục đạt được trong quí trước đó, kể từ quí 3/2013. Ước tính, tăng trưởng của khu vực đạt khoảng 4,9% trong quí 3 năm nay, giảm nhẹ so với mức 5,0% trong quí 2 so cùng kỳ năm trước.

Tăng trưởng được hỗ trợ bởi xuất khẩu:

Hỗ trợ cho đà tăng trưởng vững chắc chính là nhu cầu từ bên ngoài đang thúc đẩy các dòng chảy xuất khẩu của khu vực. Số liệu thương mại gần đây từ các nền kinh tế chủ chốt của ASEAN cho thấy thương mại đang trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng.

Tăng trưởng xuất khẩu tăng lên ở Malaysia và Philippines vào tháng 7, và cán cân thương mại của Indonesia quay trở lại mức thặng dư vào tháng 8.

Phân tích kỹ hơn các nhân tố tăng trưởng trong quý 2 năm nay, có thể thấy động lực tăng trưởng trong khu vực, một phần là do một thị trường lao động, kết hợp với hiệu suất tốt hơn từ bên ngoài, đã thúc đẩy nền kinh tế phục hồi. Các hoạt động kinh tế sôi động hơn ở Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đã thúc đẩy tăng trưởng chung của khu vực.

Khu vực ASEAN được dự báo tăng trưởng 4,9% vào năm 2017, nhờ tiêu dùng mạnh mẽ và hoạt động kinh doanh, đầu tư với bên ngoài. Triển vọng của khu vực trong năm tới tương đối khả quan và có thể đạt 4,9% vào năm 2018. Myanmar sẽ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực trong năm tới, tăng 7,6%, tiếp theo là Campuchia.

Dự báo GDP năm 2018 của Brunei, Malaysia và Thái Lan đã được điều chỉnh tăng trong tháng này. Malaysia tăng 4,8% còn Thái Lan có mức tăng trung bình 3,5%.

Không có nhiều động lực cho tăng trưởng, kinh tế Brunei dự báo tăng 1,9% và còn kinh tế Singapore tăng 2,3%.

Lạm phát ổn định ở mức thấp tạo điều kiện cho tiêu dùng

Các dữ liệu ban đầu cho thấy lạm phát trung bình của các nền kinh tế ASEAN là 2,5% vào tháng 8/2017, mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm 2016. Mặc dù áp lực về giá cả trong khu vực đã giảm, chu kỳ thắt chặt tiền tệ ở Mỹ (dự kiến Mỹ sẽ tăng lãi suất vào tháng 12) đã khiến hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới ngừng giảm lãi suất. Tuy nhiên, Ngân hàng trung ương của Indonesia đã nới lỏng chính sách tiền tệ vào tháng 9/2017 để nền kinh tế tăng tốc.

Dự báo lạm phát trung bình của khu vực ASEAN sẽ vào khoảng 3,0% trong năm 2017, cao hơn so với mức 2,1% vào năm 2016. Năm 2018, lạm phát trung bình dự báo khoảng 3,2%, không thay đổi so với dự đoán của tháng trước.

Malaysia:

Nền kinh tế Malaysia đã trở thành một điểm sáng đặc biệt tại ASEAN trong thời gian gần đây sau khi tăng trưởng GDP vượt quá mong đợi trong quý hai. Mức tiêu dùng cá nhân tăng mạnh và hoạt động kinh doanh được cải thiện từ bên ngoài và những tin tức tích cực đang hỗ trợ đồng Ringgit tăng giá. Đồng tiền này tăng lên mức cao gần 10 tháng vào tháng 9/2017.

Các chỉ số kinh tế vẫn tích cực, cho thấy nền kinh tế nhìn chung tăng trưởng tốt trong quý 3/2017. Sự mở rộng đáng chú ý trong ngành sản xuất và năng lượng đã thúc đẩy tăng trưởng trong hoạt động công nghiệp vào tháng 7. Thêm vào đó, xuất khẩu đã tăng mạnh nhờ sản xuất các loại nhiên liệu khoáng sản và các mặt hàng sản xuất lớn hơn, phản ánh nhu cầu toàn cầu đối với hàng hoá của Malaysia. Tăng trưởng nhập khẩu vững chắc trong tháng phản ánh hoạt động năng động trong nước, được hỗ trợ bởi tiêu dùng cá nhân. Chi tiêu cho hộ gia đình đã được cải thiện nhờ tỷ lệ thất nghiệp thấp và tăng lương trong khu vực sản xuất. Tháng 9/2017, Thủ tướng Najib Razak của Malaysia và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã cam kết tăng cường Quan hệ đối tác toàn diện, theo đó cả hai nước cam kết giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại thông qua đầu tư và tăng nhập khẩu hàng hoá của Mỹ.

Bên cạnh những triển vọng sáng sủa cho nền kinh tế, những rủi ro vẫn còn tiềm ẩn. Bất ổn địa chính trị trên thế giới và trong khu vực, đặc biệt với sự xuất hiện của IS tại Philippines có thể ảnh hưởng đến mức sống người tiêu dùng, trong khi gánh nặng nợ của một số ngành sản xuất vẫn còn nặng nề. Hơn nữa, một nền kinh tế có độ mở cao như Malaysia cũng dễ bị ảnh hưởng bởi những cú sốc từ bên ngoài.

Mặc dù vậy, các nhà kinh tế vẫn dự báo GDP của Malaysia tăng 5,2% trong năm 2017. và 4,8% trong năm 2018, tăng 0.1 điểm phần trăm so với dự đoán của tháng trước.

Indonesia:

Tăng trưởng sẽ được đẩy nhanh hơn trong những tháng cuối năm sau khi có kết quả kinh doanh ở mức vừa phải nhưng ổn định trong nửa đầu năm 2017. Số liệu kinh tế gần đây cho thấy khả năng phục hồi của tăng trưởng kinh tế tại Indonesia: Sản xuất công nghiệp hồi phục vào tháng 7, và trong tháng 8, chỉ số quản lý sức mua (PMI)tăng và cán cân thương mại quay trở lại mức thặng dư. Ngoài ra, chi tiêu của chính phủ dự kiến sẽ tăng lên trong thời gian tới. Chính phủ Indonesia đang nhắm tới các kế hoạch nâng cấp cơ sở hạ tầng quy mô lớn, bao gồm nâng cấp các tuyến đường sắt và tạo ra "10 Bali mới" hoặc các điểm du lịch hấp dẫn.

Tăng trưởng GDP được dự báo ổn định là 5,1% vào năm 2017. Những nỗ lực nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút FDI sẽ có kết quả trong năm tới. Dự báo GDP tăng trưởng 5,3% vào năm 2018, không thay đổi so với dự đoán của tháng trước, khi tăng chi tiêu của chính phủ và hoạt động hỗ trợ tăng trưởng đầu tư.

Thái Lan:

Nhu cầu nhập khẩu của nước ngoài đối với hàng hóa Thái Lan đã đóng góp lớn cho mức tăng trưởng hai con số trong những tháng gần đây và dự báo sẽ tiếp tục là động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế trong cả năm 2017. Nhập khẩu cũng tăng lên, phản ánh sức mua của kinh tế nội địa. Thêm vào đó, tiêu dùng cá nhân tăng trưởng tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 7, nhờ lạm phát thấp. Tuy nhiên, PMI sản xuất xấu đi vào tháng 8/2017 do sự sụt giảm sản lượng và đơn đặt hàng mới và cho thấy sự suy giảm trong ngành sản xuất. Chính phủ Thái Lan đã thông qua luật về thuế và rượu bia mới có hiệu lực vào giữa tháng 9/2017. Thuế mới nhằm mục đích làm cho việc thu thuế trở nên minh bạch hơn nhưng có thể cản trở tiêu dùng cá nhân.

Đầu tư công và sự hồi phục liên tục trong khu vực bên ngoài dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những rủi ro cho nền kinh tế nước này, một mặt từ sự thiếu ổn định về chính trị vẫn chưa được giải quyết ổn thoả từ nhiều năm nay. Mặt khác, sự không chắc chắn về kinh tế toàn cầu và khả năng sụt giảm trong nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc ảnh hưởng tới xuất khẩu của Thái Lan. Ngoài ra, nợ của hộ gia đình đang ở cao sẽ làm giảm triển vọng trung hạn. Tuy nhiên, Chính phủ Thái Lan vẫn hy vọng các động lực từ bên ngoài mạnh mẽ và bộ đệm tài chính sẽgiúp này ít bị tổn thương trước những cú sốc. Dự báo nền kinh tế này sẽ tăng trưởng 3,5% trong năm 2017 và 2018, tăng 0,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng trước.

Singapore:

Xuất khẩu tăng mạnh trong tháng 8/2017 nhờ nhu cầu tăng từ các nước châu Á. Giá trị xuất khẩu (không tính dầu mỏ) của Singapore đã tăng 17% trong tháng 8/2017 nhờ nhu cầu tăng vọt từ Trung Quốc đại lục, Hồng Kông (Trung Quốc) và Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, EU và Hoa Kỳ.

Xuất khẩu hàng điện tử đã tăng 21,7% trong tháng 8, tăng so với mức tăng 15,3% của tháng trước, nhờ xuất khẩu máy tính cá nhân, sản phẩm truyền thông đĩa và các bộ phận của máy tính cá nhân.

Xuất khẩu các sản phẩm không phải là điện tử đã tăng 15% trong tháng 8, sau khi tăng nhẹ 4,4% trong tháng 7, do xuất khẩu vàng, hóa dầu và máy móc chuyên dụng cao hơn.

Dự báo xuất khẩu của Singapore sẽ đạt 365,4 tỷ USD trong năm 2017, tăng 1,1% so với năm trước và đạt 375,1 tỷ USD vào năm 2018, tăng 2,6% so với năm 2017. Xuất khẩu sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng cho Singapore.

Bảo Linh