Nói nôm na, “cơ chế tỷ giá thả nổi có kiểm soát”, là giá trị đồng NDT được tham chiếu với một rổ gồm nhiều đồng tiền khác, chủ yếu là đồng USD. Trên thực tế, đồng NDT được phép dao động 0,3%/ngày xung quanh đồng USD. Đến 2007 Trung Quốc điều chỉnh biên độ dao động hàng ngày của NDT/USD lên 0,5%. Năm 2012, biên độ này tiếp tục nới rộng lên 1%/ngày. Như vậy, ở mỗi thời kỳ, khi NDT bị điều chỉnh quá 0,3% (từ 2005), quá 0,5% (từ 2007) và quá 1% (từ 2012) mới bị coi là “biến động mạnh” (thường gọi là phá giá).
Trong 3 năm đầu tiên thực hiện , “cơ chế tỷ giá thả nổi có kiểm soát” (2005-2008) đồng NDT biến động trong biên độ cho phép. Năm 2008 xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Trung Quốc quay trở lại định giá NDT theo USD, giữ tỷ giá 6,84 NDT/USD trong 2 năm.
Ngày 9 tháng 12 năm 2014, đồng NDT giảm 0,5% xuống 6,203 NDT/USD, mức giảm giá trong phiên lớn nhất kể từ năm 2008. Sự giảm giá NDT bắt nguồn từ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2014 chỉ đạt 7,4% và là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1990. Sự giảm giá này giúp cho hàng xuất khẩu Trung Quốc “rẻ” hơn và hàng nhập khẩu vào Trung Quốc “đắt” hơn, từ đó thúc đẩy tăng tiêu thụ hàng trong nước. Tăng trưởng xuất khẩu và tiêu dùng nội địa là đôi cánh hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nước này.
Năm 2015, NDT có 2 đợt biến động mạnh. Ngày 11/5 NDT giảm 1,9% và ngày 12/5 giảm tiếp 1,6%; tỷ giá ở mức 6,33 NDT/USD. Có 2 nguyên nhân chủ yếu. Thứ nhất do chỉ số sản xuất PMI ở dưới ngưỡng 50 điểm (dấu hiệu suy giảm sản xuất), thấp nhất kể từ đầu năm 2014. Thứ 2 thặng dư thương mại suy giảm. Một đồng NDT “yếu” sẽ khắc phục 2 dấu hiệu suy giảm nói trên.
Tiếp đến, ngày 12 tháng 8, NDT xuống đáy 4 năm so với USD, sau khi hạ tỷ giá tham chiếu thêm 1,6%, xuống mức 6,44 NDT đổi một USD, thấp nhất từ tháng 8/2011, nhằm 2 mục đích: Chi phí của các hãng xuất khẩu Trung Quốc sẽ giảm xuống, và Trung Quốc có thể tăng thêm nguồn dự trữ ngoại hối nhằm chế ngự đồng nhân dân tệ trong trường hợp đồng tiền này biến động bất thường.
Ngày 18/11/2016, NDT giảm xuống 6,7 NDT/ đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2008, nhằm ứng phó trong bối cảnh dự báo tháng 12 năm 2016 Ngân hàng Trung ương Mỹ (FED) có khả năng tăng lãi suất.
Năm 2018 tiếp tục là năm mất giá của NDT khi cuối năm, ngày 28/12, 1 USD đổi 6,8632 NDT. Lý do đến từ cuộc thương chiến Mỹ-Trung. Đồng NDT “rẻ” hơn giúp doanh nghiệp Trung Quốc chống đỡ tốt hơn khi Mỹ áp thuế 25% lên 300 tỷ hàng xuất khẩu của Trung Quốc.
Và ngày 5/8/2019, lần đầu tiên, bắt nguồn từ việc Tổng thống Donald Trump quyết định áp thuế 10% lên 300 tỷ hàng xuất khẩu còn lại của Trung Quốc, tỉ giá đồng nhân dân tệ so với đồng USD đã rơi xuống mức thấp nhất trong 10 năm, ở mức 7 nhân dân tệ đổi 1 USD.
Mặc dù sau đó, ngày 6/8 tỷ giá tham chiếu được Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thiết lập ở mức 6,9683 NDT/USD, và ngày 7/8 tiếp tục neo ở mức 6,9683 NDT đổi 1 USD; nhưng giới quan sát cho rằng, sự sụt giảm của đồng NDT có thể vẫn tiếp tục diễn ra, bởi lẽ quyết định thả đồng NDT giảm khá mạnh được xem như một động thái cho thấy Trung Quốc đang muốn thể hiện sẽ không nhượng bộ đàm phán thương mại với Mỹ.
Nếu vậy, Mỹ có nhượng bộ không? Nếu Mỹ cũng không nhượng bộ, nhiều khả năng Trung Quốc tiếp tục sử dụng vũ khí giảm giá NDT dù biết đây là con dao hai lưỡi.