Đột phá công nghệ: Khai thác hydro từ các mỏ dầu

Các nhà khoa học đã phát triển một kỹ thuật khai thác hydro quy mô lớn, chi phí thấp từ dầu cát và mỏ dầu, một công ty Canada đang phát triển công nghệ này cho biết.

 

khai thac hydro
Một cơ sở khai thác dầu cát gần thành phố Fort McMurray, Alberta, Canada

 

"Các nhà khoa học đã phát triển một phương pháp kinh tế và quy mô lớn để chiết xuất hydro (H2) từ dầu cát (tự nhiên) và từ các mỏ dầu", theo tuyên bố của Công ty Proton Technologies. Loại hydro này "có thể được sử dụng cho các phương tiện chạy bằng hydro", Proton Technologies tuyên bố tại hội nghị Goldschmidt quy tụ 4.000 nhà khoa học ở Barcelona, Tây Ban Nha.

Hydro có thể đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng, miễn là nó làm tăng việc sử dụng và giảm chi phí sản xuất, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết trong một thông cáo vào tháng 6/2019.

"Các mỏ dầu, ngay cả những mỏ không còn được khai thác, vẫn chứa một lượng dầu đáng kể", Grant Strem, CEO của Proton Technologies, lập luận. "Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng khi bơm oxy vào các mỏ này sẽ làm tăng nhiệt độ và giải phóng hydro, có thể tách ra khỏi các khí khác thông qua các bộ lọc chuyên dụng". Hydro không tồn tại trước trong các bể, nhưng khi bơm oxy vào sẽ gây phản ứng hóa học dẫn đến hình thành hydro", ông nói.

Nếu công nghệ này được thực hiện ở quy mô công nghiệp, ước tính chi phí sản xuất sẽ từ ​​10 - 15 cent mỗi kg, so với 2 đôla mỗi kg hiện tại. Công nghệ này cho phép "trích xuất một lượng đáng kể hydro trong khi lại bỏ lại lượng khí carbon dưới lòng đất", Proton Technologies nói.

Hiện nay, hydro gần như được sản xuất hoàn toàn từ khí đốt và than đá, dẫn đến phát thải 830 triệu tấn CO2 mỗi năm, tương đương với lượng khí thải tích lũy của Vương quốc Anh và Indonesia.

"Kỹ thuật này đã xuất hiện được một thời gian, đó là nguyên tắc khí hóa dưới lòng đất: chúng tôi đưa oxy vào dầu hoặc than, nó tạo ra hỗn hợp khí, thường là loại khí tổng hợp, monoxide carbon, CO2 và hydro, và sau đó chúng ta lọc hydro để tái sử dụng ở nơi khác", Olivier Joubert, Giám đốc một nhóm nghiên cứu về hydro thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc gia Pháp, nói với AFP.

 

Theo Petrotimes