Hiệu quả đầu tư cao
Tháng 8/2019, Công ty Cổ phần Thiết bị Bưu điện (Postef) khánh thành Nhà máy sản xuất sợi quang có công suất 3,2 triệu km sợi quang/năm, đánh dấu bước chuyển lớn cho doanh nghiệp công nghệ viễn thông trong nước chủ động nguồn nguyên liệu, đưa Việt Nam trở thành nước đầu tiên ở Đông Nam Á sản xuất được vật liệu này. Viện Kỷ lục Việt Nam đã thiết lập hồ sơ đề xuất kỷ lục: Nhà máy sản xuất sợi thủy tinh dùng cho thông tin quang đầu tiên của Việt Nam.
Có lẽ, ít ai biết rằng, từ năm 2014, ông Trần Hải Vân - Giám đốc Postef đã âm thầm ấp ủ ý tưởng xây dựng Nhà máy sản xuất sợi quang. Lúc đó, Việt Nam đã có hàng chục đơn vị sản xuất cáp quang cho mạng thông tin quang, nhưng toàn bộ sợi quang phục vụ sản xuất cáp quang phải nhập từ nước ngoài. Sản lượng nhập khẩu phụ thuộc hoàn toàn vào kế hoạch phân phối hàng năm của các hãng lớn khiến các doanh nghiệp sản xuất cáp quang phải chạy đôn chạy đáo khi có đơn hàng lớn.
Đi sâu vào tìm hiểu, ông Vân càng thêm vững tâm khi biết hệ thống truyền dẫn tín hiệu trên sợi quang đã và đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Năm 2011 thế giới sử dụng 147 triệu km cáp quang, đến năm 2014 đã là 172 triệu km. Dự báo đến 2017 tiếp tục tăng mạnh lên 204 triệu km. Ở Việt Nam, các tuyến cáp quang được hình thành với tốc độ phi mã, đặc biệt là các tuyến cáp biển kết nối quốc tế, tuyến đường trục xuyên quốc gia.
Mạng truyền thông quang được triển khai trong tất cả các loại hình truyền thông, từ điện thoại, truyền hình đến internet thay thế cho mạng cáp đồng do nhiều ưu điểm về công nghệ và kinh tế. Báo cáo kế hoạch 10 năm (2010-2020) chỉ ra nhu cầu cáp quang của Việt Nam rất cao với giá trị khoảng 8,5 tỷ USD - một thị trường sợi quang đầy tiềm năng. Hơn thế nữa, có nhiều dự báo về mặt công nghệ rằng, trong10 năm tới chưa có phương thức truyền dẫn nào tốt hơn truyền dẫn tín hiệu trên sợi quang, đã cho thấy hiệu quả đầu tư ở mức rất cao.
Bài toán nối tiếp bài toán
Khi “bàn giao” ý tưởng này cho các cộng sự nghiên cứu triển khai, nhiều bài toán được đặt ra. Bài toán về kinh tế không có gì phải bàn, hiệu quả đầu tư khá rõ. Nhưng đến công nghệ, bài toán nọ nối tiếp bài toán kia trong suốt quá trình xây dựng dự án. Đầu tiên phải làm rõ được các đặc tính kỹ thuật, tính năng - chất lượng chủ yếu của sản phẩm là sợi quang theo tiêu chuẩn quốc tế G562, bởi trên thị trường Việt Nam, sợi quang nhập chủ yếu từ các hãng nổi tiếng như Sumitomo, Corning, Fujikawa, Furakawa. Do vậy, đối thủ cạnh tranh của Postef là đại lý của các hãng trên tại Việt Nam, nên chất lượng sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Bài toán thứ hai là lựa chọn phương pháp kéo sợi. Phương pháp kéo theo chiều ngang có ưu điểm là an toàn, thuận tiện trong quá trình vận hành lắp phôi, nhưng hiệu quả không cao do tốc độ kéo thấp, tối đa 500 m/phút. Phương pháp kéo theo chiều dọc đạt hiệu quả cao hơn, do tốc độ kéo gấp 4 lần, từ 2.000 m/phút, nhưng đòi hỏi chiều cao của tháp lớn, từ 25 m trở lên.
Cuối cùng, Postef lựa chọn công nghệ kéo sợi theo chiều thẳng đứng do cho hiệu suất hoạt động cao hơn, chất lượng sợi kéo ra tốt hơn và các hãng sản xuất sợi lớn trên thế giới như Sumitomo, Fujikura… đều sử dụng công nghệ tháp kéo đứng, do đó có khả năng tiếp nhận được chuyển giao công nghệ từ các nhà sản xuất sợi.
Bài toán thứ ba là lựa chọn thiết bị và công nghệ. Dựa trên tính toán cạnh tranh trên thị trường, khả năng tiếp thu công nghệ và hiệu suất thu hồi vốn, Postef đã chọn dây chuyền và thiết bị của nhà sản xuất Rosendahl Nextrom, Áo - Phần Lan; và giải pháp công nghệ của Sumitomo Electric, Nhật Bản.
Ngoài ra, còn hàng chục bài toán về lựa chọn sản phẩm và chất lượng; phương án tiêu thụ sản phẩm; hình thức và quy mô đầu tư; hình thức quản lý dự án… trong đó, bài toán về vốn nan giải hơn cả. Vấn đề không phải Postef không huy động được vốn mà nằm ở quy định. Số vốn dự toán của dự án hơn 287,1 tỷ đồng chưa bao gồm chi phí chuyển giao công nghệ, đã lớn hơn vốn chủ sở hữu thời điểm đó (276 tỷ đồng) nên Postef phải đưa ra phương án phát hành trái phiếu tăng vốn điều lệ lớn hơn vốn dự án.
Trong quá trình thực hiện, Postef cũng phải chấp nhận chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp đa chức năng tại số 63 Nguyễn Huy Tưởng, Hà Nội cho nhà đầu tư khác để dồn lực vào dự án sợi quang. Điều đó cho thấy, để dự án sản xuất sợi quang thành công, Postef đã phải dằng xé giữa rất nhiều bài toán.
Hỗ trợ hai khâu quan trọng
Những khó khăn nhất trong lập một dự án là lựa chọn thiết bị, công nghệ và thu xếp vốn với đối tác, Postef đã vượt qua. Những tưởng có thể dễ dàng “ôm” bộ hồ sơ xin được liệt vào danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo Quyết định 66 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng đây là lần đầu tiên lập dự án loại này, nên hồ sơ chưa hợp lệ, đã từng bị trả về.
Khi “gõ cửa” Vụ khoa học công nghệ, Bộ Công Thương, xét thấy dự án thực sự xứng đáng được hưởng ưu đãi theo Quyết định 66, nhưng các cán bộ của Vụ cũng phải mất hàng tháng trời cùng Postef mới hoàn chỉnh được bộ hồ sơ chuẩn theo quy định. Cùng với đó, Vụ cũng trình duyệt kinh phí gần 7 tỷ đồng từ nguồn ngân sách hoạt động khoa học công nghệ của Bộ dành cho việc nghiên cứu giúp Postef làm chủ quy trình công nghệ sản xuất ra sợi quang và quy trình công nghệ đo kiểm, kiểm tra tiêu chí chất lượng sản phẩm.
Đây là 2 khâu quan trọng trong quy trình sản xuất ra một sản phẩm mới. Postef đã bắt đầu tiếp cận công nghệ sản xuất phôi (Perform) để từng bước làm chủ công nghệ cơ bản, là tiền đề vững chắc cho việc mở rộng sản xuất sợi quang theo tiêu chuẩn quốc tế G652.
Đến nay, dự án đã đi vào sản xuất, các thông số về kỹ thuật đã được kiểm chứng. Dây chuyền sản xuất chính (tháp kéo sợi) do NEXTROM (Phần Lan) cung cấp là tháp kéo sợi quang cao nhất tính đến thời điểm này, với tốc độ 3.000m sợi/phút, gấp rưỡi mức nền của phương pháp kéo sợi theo chiều thẳng đứng (2.000m sợi/phút).
Đặc biệt nhà máy được xây dựng để đáp ứng tiêu chuẩn sạch quốc tế cấp độ 6 do Công ty TAIKISHA (Nhật Bản) thiết kế và thi công theo hình thức chìa khóa trao tay EPC. Đây cũng là nhà máy đầu tiên của Postef áp dụng mô hình sản xuất thông minh, xưởng thông minh và đạt mục tiêu nhà máy thông minh vào năm 2020.
6 mục tiêu của một dự án công nghệ cao, đến nay Postef đã đạt được.
Thứ nhất, công nghệ trong dự án là công nghệ thế hệ mới: Kéo sợi thẳng đứng mới nhất, được nhiều hãng sản xuất sợi quang lớn của các nước G7 sử dụng, thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo Quyết định 66.
Thứ hai, công nghệ được chuyển giao là công nghệ cao, công nghệ tiên tiến đáp ứng 4 tiêu chí:
Tạo ra ngành công nghiệp, dịch vụ mới.
Có sức lan tỏa lớn (cung cấp cho hạ tầng viễn thông một hệ thống truyền dẫn tiên tiến với giá cả hợp lý).
Tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu.
Sản xuất sạch, thân thiện môi trường.
Thứ ba, xét về mục tiêu kinh tế - xã hội: Nâng cao sản lượng sản xuất sợi thủy tinh dùng cho thông tin quang nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước, và tăng hiệu quả kinh tế trong hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, góp phần giảm tỷ lệ nhập siêu cho đất nước. Sản xuất sợi quang thể hiện sự trưởng thành của doanh nghiệp Việt Nam trong việc vươn lên làm chủ công nghệ tiên tiến và hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.
Thứ tư, xét về mục tiêu khoa học và công nghệ: Làm chủ được công nghệ sản xuất sợi thủy tinh dùng cho thông tin quang.
Thứ năm, tạo lập mô hình quản lý, quản trị hiệu quả theo chuẩn mực quốc tế, tối ưu hóa sản xuất và nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Thứ sáu, tận dụng nguồn lực sẵn có, đội ngũ kỹ sư của Postef có trình độ, năng lực, kinh nghiệm với tay nghề cao và Postef đã có sẵn 2 nhà máy sản xuất cáp quang đang hoạt động hết công suất, làm ăn có lãi.