Dragon Capital bán ròng hơn 1,4 triệu cổ phiếu Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PVS)

Nhóm quỹ ngoại Dragon Capital vừa bán ròng hơn 1,4 triệu cổ phiếu PVS của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam.
Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí
Tỷ lệ sở hữu của Dragon Capital tại Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đã giảm về còn khoảng 6,76% vốn cổ phần.

Nhóm quỹ ngoại Dragon Capital vừa công bố việc thay đổi tỷ lệ sở hữu tại Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã cổ phiếu PVS - sàn HNX).

Cụ thể, quỹ Amersham Industries Limited mua vào 20.000 cổ phiếu PVS và quỹ Norges Bank mua vào 150.000 cổ phiếu PVS. Ở chiều ngược lại, quỹ Enterprise Investments Limited bán ra 1,4 triệu cổ phiếu PVS. Các giao dịch này được thực hiện trong ngày 21/11.

Như vậy, tổng số cổ phiếu PVS thuộc sở hữu của nhóm quỹ ngoại Dragon Capital giảm 1,23 triệu đơn vị, còn hơn 32,3 triệu đơn vị, tương ứng khoảng 6,76% vốn cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí. Ước tính, Dragon Capital đã thu về hơn 41,3 tỷ đồng từ việc bán ra cổ phiếu PVS.

Đánh giá về triển vọng của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, một số hãng chứng khoán nhận định hoạt động kinh doanh của tổng công ty đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mới với loạt dự án dầu khí lớn đang được xúc tiến triển khai như dự án Lạc Đà Vàng; dự án Nam Du – U Minh; chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn...

Trong đó, chuỗi dự án Lô B - Ô Môn được kỳ vọng sẽ tạo ra khoản doanh thu lên đến 5,8 tỷ USD cho Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí nhờ các hợp đồng xây lắp cơ khí (M&C) bắt đầu từ năm 2024 và 01 hợp đồng cho thuê kho nổi chứa dầu (FSO) bắt đầu từ năm 2028, theo Chứng khoán Dầu khí.

Giá cổ phiếu PVS Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu PVS của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PVS) có thể thu về gần 6 tỷ USD từ dự án khí Lô B" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Cũng theo Chứng khoán Dầu khí, bắt đầu từ khoảng cuối năm 2024, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí có thể bắt đầu ghi nhận doanh thu từ các hợp đồng M&C liên quan đến dự án Lô B.

Ngoài mảng M&C, nhu cầu về các dịch vụ dầu khí và các dịch vụ vận hành & bảo dưỡng (O&M) cho kho nổi chứa dầu được dự báo sẽ tăng lên trong thời gian tới khi các dự án khai thác mới đi vào giai đoạn vận hành. Đây sẽ là nguồn lợi nhuận tiềm năng khác cho Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí.

Hiện Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đang sở hữu và đồng sở hữu 06 FSO/FPSO, tổ chức cung cấp các dịch vụ quản lý, vận hành, khai thác, bảo dưỡng 09 FSO/FPSO/FSU trong và ngoài nước, là đơn vị đứng đầu tại Việt Nam và trong khu vực về việc hoán cải, quản lý, bảo dưỡng các kho chứa nổi.

Kết thúc 9 tháng đầu năm nay, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí ghi nhận 14.101 tỷ đồng doanh thu và gần 707 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 12% và 17% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, tổng công ty đã hoàn thành 107% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Duy Quang