Đánh dấu bước quan trọng để làm cơ sở đưa Dự án vào vận hành thương mại trong tháng 10/2019. Hệ thống khử SOx bằng nước biển (FGD), hệ thống khử NOx bằng NH3 (SCR), hệ thống lọc bụi tĩnh điện (ESP) đã được vào vận hành ngay từ khi đốt lò, đảm bảo môi trường trong quá trình thử nghiệm cũng như khi nhà máy chính thức đi vào hoạt động sẽ không có cột khói đen tại ống khói.
Dự án NMNĐ VT4 MR được xây dựng tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm Chủ đầu tư, Tổng Công ty Phát điện 3/Ban Quản lý Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân là đơn vị tư vấn quản lý dự án. Đây là một trong những dự án trọng điểm của Chính phủ, nằm trong quy hoạch Tổng sơ đồ Quy hoạch điện VII để đáp ứng cung cấp điện cấp bách cho các tỉnh khu vực phía Nam.
Dự án chính thức khởi công vào ngày 23/4/2016 gồm 01 tổ máy với quy mô công suất khoảng 600 MW. Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 Mở rộng sử dụng công nghệ lò hơi thông số siêu tới hạn (Super Critical) được xây dựng ở Việt Nam và tận dụng được cơ sở hạ tầng sẵn có của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, do Tổ hợp Nhà thầu DMPP gồm Tập đoàn Công nghiệp nặng DOOSAN (Hàn Quốc) - Tập đoàn MITSUBISHI (Nhật Bản) - Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 2 (PECC2) và Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Dương (PACIFIC, Việt Nam) làm tổng thầu EPC, liên danh Công ty CP Tư vấn Xây dựng Điện 3 (PECC3) và Công ty CP Tư vấn Xây dựng Điện 4 (PECC4) phối hợp với tư vấn phụ nước ngoài làm tư vấn, giám sát thi công xây dựng.
Theo kế hoạch, Nhà máy sẽ được đưa vào vận hành sau 45 tháng xây dựng, lắp đặt (dự kiến cuối tháng 12/2019). Nhà máy sẽ được đấu nối với hệ thống điện quốc gia thông qua lưới điện 500kV.
Sau khi hoàn thành, hàng năm Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 Mở rộng sẽ cung cấp cho hệ thống điện khoảng 3,6 tỷ kWh, góp phần đảm bảo cung cấp điện năng cho phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Bình Thuận nói riêng và các tỉnh phía Nam nói chung.