Dự báo giá kim loại cơ bản trong năm 2013 của Standard & Poor’s

Standard & Poor’s (S&P) đã đưa dự báo giá kim loại trong năm 2013. Theo đó, giá đồng và quặng sắt dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2013 và 2014, trong khi đó giá nhôm và niken sẽ có sự biến động.
Theo bản báo cáo cho biết, mặc dù tính đến thời điểm này (2013), giá quặng sắt hiện ở mức 140 USD/tấn nhưng S&P nhận định sự gia tăng sản lượng khai thác mới trong nửa cuối năm 2013 và đầu năm 2014 sẽ làm giảm giá quặng sắt. Giá quặng sắt được dự báo sẽ nằm ở mức 120 USD/tấn trong năm 2013 và 110 USD/tấn trong năm 2014.
Báo cáo cũng cho biết thêm nhu cầu tiêu thụ quặng sắt trong năm 2013 sẽ tăng thêm 1 – 2% so với năm ngoái, chủ yếu là do nhu cu của các nước Châu Á và các hoạt động giao dịch kim loại gia tăng, đặc biệt là từ Trung Quốc.
Trong dài hạn, S&P dự đoán giá quặng sắt tiếp tục giảm do sản lượng khai thác gia tăng và mức bão hòa sản xuất của ngành thép.
Giá đồng sẽ đạt mức trung bình khoảng 3,30 USD/pound (0,454 kg) do sự cân bằng kém ổn định giữa cung – cầu; nhu cầu đồng gia tăng ở mức vừa phải mặc dù nguồn cung đồng trong giai đoạn gần đây bị gián đoạn, kết hợp cùng với phẩm cấp quặng suy giảm dẫn đến sản lượng khai thác thấp hơn tại các mỏ đồng chính thuộc khu vực Nam Mỹ.
S&P cũng dự báo giá đồng sẽ nằm ở mức 3,10 USD/pound trong năm 2014 sau đó giảm xuống còn 2,70 USD/pound trong năm 2015.
Đối với nicken, S&P dự báo giá sẽ giảm từ mức 7,50 USD/pound xuống còn 7 USD/pound trong năm 2013, mặc dù nhu cầu tiêu thụ đang tiếp tục gia tăng. Nguyên nhân do mức dư thừa nguồn cung hiện tại đang cao hơn so với dự kiến bắt nguồn từ nhiều dự án sản xuất niken theo phương pháp HPAL (lọc axit áp suất cao - high-pressure acid leach) đi vào hoạt động.
S&P dự kiến giá niken sẽ tăng lên trên mức 8 USD/pound trong dài hạn do mức giá hiện tại đang gần với giá thành khai thác quặng của các nhà sản xuất.
Giá nhôm sẽ được giữ ở mức 0,95 cents/pound trong năm 2013, và dần tăng lên mức 1 USD/pound trong năm 2015, do sự phục hồi nền kinh tế toàn cầu sẽ gia tăng nhu cầu sử dụng nhôm.
Tuy nhiên, việc khai thác nhôm với phí tổn thấp tại Ấn Độ và khu vực Trung Đông sẽ tiếp tục gia tăng áp lực lên giá nhôm, điều này có thể dẫn tới việc cắt giảm nguồn cung có chi phí cao.
S&P cũng đưa ra dự báo GDP toàn cầu sẽ tăng 3-4% cho đến năm 2015, trong đó GDP của Trung Quốc sẽ tăng 8%, GDP của Mỹ sẽ tăng từ 2,5 – 3%, mức tăng trưởng GDP tại Châu Âu sẽ được giữ ở mức ổn định; điều này sẽ làm tăng nhu cầu sử dụng kim loại trong các hoạt động sản xuất.
Đặng Quang