Hoạt động xây dựng sôi động sẽ giúp nâng cao nhu cầu sử dụng các loại vật liệu xây dựng, trong đó có nhựa vật liệu xây dựng (ống dẫn nước, cửa nhựa, tấm chắn nhựa, tấm lợp nhựa, tấm nhựa lót sàn, thanh profile…) và các loại nhựa kỹ thuật có tính chất cơ lý đặc biệt, chuyên dụng trong thi công công trình và trong hoạt động công nghiệp.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, giá trị sản xuất ngành xây dựng 6 tháng đầu năm 2015 ước đạt gần 400.000 tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2014; tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt 35,3%, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2014 và cả nước đã tăng thêm 52 triệu m2 sàn nhà ở. Thống kê của Bộ Xây dựng cũng cho thấy lượng hàng tồn kho bất động sản đã giảm khá mạnh trong thời gian qua.
Sự lạc quan về thị trường bất động sản đang trên đà khởi sắc, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã đề ra các kế hoạch triển khai nhiều dự án xây dựng mới với quy mô lớn, số vốn đầu tư xây dựng cao.
Đối với lĩnh vực xây dựng công nghiệp, lượng vốn đổ vào ngành công nghiệp sản xuất luôn chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu vốn FDI (40 - 50%), tương đương lượng giải ngân đạt 4 - 5 tỷ USD/năm. Hiện tại, nước ta đang tham gia đàm phán 6 hiệp định FTAs mới, trong đó có TPP, điều này sẽ giúp khai thông nhiều nguồn vốn FDI mới vào Việt Nam. Do đó, các hoạt động xây dựng nhà xưởng, cơ sở hạ tầng phục vụ công nghiệp sẽ trở nên sôi động trong thời gian tới.
Trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, dự kiến sẽ có 169 dự án giao thông được khởi công và hoàn thành trong nă 2015, trong đó có nhiều dự án trọng điểm có tổng số vốn đầu tư cao. Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 40% số lượng đường bộ trong hệ thống giao thông có chất lượng thấp và rất thấp. Do đó, lượng vốn ước tính cần cho việc nâng cấp hệ thống đường bộ sẽ đạt 48-60 tỷ USD cho đến năm 2020, tương đương với nhu cầu đầu tư hàng năm vào khoảng 202.000 tỷ đồng/năm.
Các yêu tố trên mở ra một thị trường tiêu thụ vật liệu xây dựng lớn, tiềm năng cao. Theo số liệu của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, nhựa xây dựng là nhóm sản phẩm có sức tiêu thụ lớn thứ hai, sau nhóm sản phẩm nhựa bao bì với tỷ trọng chiếm khoảng 21% tổng mức tiêu thụ các sản phẩm nhựa. Bên cạnh đó, theo Quy hoạch phát triển ngành Nhựa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 của Bộ Công Thương, ngành Nhựa sẽ chuyển dịch cơ cấu theo hướng giảm tỷ trọng các nhóm sản phẩm nhựa bao bì và nhựa gia dụng, tăng dần tỷ trọng nhóm nhựa vật liệu xây dựng và nhựa kỹ thuật.
Thị trường nhựa vật liệu xây dựng hiện đang bị chi phối chủ yếu bởi Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền phong và Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh; cả hai Công ty này đều có chung sản phẩm chủ lực là các loại ống nhựa. Bên cạnh đó, thị trường nhựa vật liệu xây dựng còn đang chứng kiến sự thâm nhập mạnh mẽ của Tập đoàn Nhựa Đông Á với các dòng sản phẩm chính là thanh profile (dùng để sản xuất cửa nhựa uPVC có lõi thép gia cường).
Nhựa Thiếu niên Tiền phong hiện là doanh nghiệp có thị phần lớn nhất cả nước, chiếm lĩnh khoảng 30% thị phần cả nước; 70% thị phần ngành Nhựa xây dựng phía Bắc; nhựa Bình Minh là doanh nghiệp có thị phần lớn thứ hai trong ngành và chiếm khoảng 20% thị phần cả nước và 50% thị phần phía Nam. Thị phần các sản phẩm của Tập đoàn Nhựa Đông Á đang tăng nhanh, đặc biệt tại khu vực miền Bắc và xuất hiện tại nhiều công trình, dự án xây dựng lớn.
Đối với sản phẩm ống nhựa, các loại ống nhựa được tiêu thụ chủ yếu cho việc xây dựng nhà ở (chiếm 75% tổng nhu cầu sử dụng ống nhựa) và cho xây dựng cơ sở hạ tầng (chiếm 20% tổng nhu cầu sử dụng ống nhựa). Theo nghiên cứu riêng của Nhựa Tiền Phong, nhu cầu sử dụng ống nhựa sẽ tăng đều trong 6 năm tới và đạt 285.000 tấn vào năm 2020.
Trước nhu cầu tăng cao về các sản phẩm nhựa xây dựng, các doanh nghiệp lớn trong ngành đang đẩy mạnh việc đầu tư máy móc, xây dựng nhà xưởng. Cụ thể, Nhựa Tiền Phong đã xây dựng dây chuyền sản xuất ống HDPE 2 vách và ống HDPE đường kính tới 2.000 mm và tập trung xây dựng hoàn thành 1 nhà máy sản xuất ống nhựa mới nhằm nâng khả năng đáp ứng được 45% - 50% nhu cầu thị trường cả nước về tất cả các chủng loại ống nước, đặc biệt là các loại ống cỡ lớn phục vụ hoạt động thoát nước mà Việt Nam chưa tự sản xuất được.
Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh cũng sẽ đầu tư 300 tỷ đồng cho việc xây dựng nhà máy mới tại Long An nhằm mở rộng thị trường tại miền Nam và mở rộng thị phần tại khu vực miền Bắc.
Tập đoàn Nhựa Đông Á tới đây cũng sẽ hoàn tất việc mở rộng nhà máy tại Hà Nam. Theo đánh giá của Tập đoàn, hiện 14 dây chuyển sản xuất thanh profile với công suất đạt 12.000 tấn/năm của Nhựa Đông Á được hoạt động hết công suất cũng mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu của thị trường miền Bắc. Đến quý IV/2015, khi việc mở rộng nhà máy của Tập đoàn hoàn tất, công suất nhà máy sản xuất uPVC Profile của nhựa Đông Á sẽ đạt 50.000 tấn/năm, giúp Tập đoàn đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng tăng của thị trường miền Bắc và dần tiến vào thị trường miền Nam.