Ông Rangsit Hiangrat, Tổng giám đốc Tập đoàn các nhà máy sản xuất đường Thái Lan (Thai Sugar Millers Corporation), cho biết lượng đường xuất khẩu của Thái Lan trong năm nay dự kiến sẽ chỉ đạt từ 6 – 7 triệu tấn, giảm mạnh so với mức 11 triệu tấn trong năm 2019.
Nguyên nhân chủ yếu do sản lượng đường của Thái Lan trong niên vụ 2019/2020 được dự báo sẽ giảm tới 28% so với niên vụ trước, đạt 10,5 triệu tấn – mức thấp nhất trong 9 năm trở lại đây. Tình trạng hạn hán tại Thái Lan đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động canh tác mía đường.
Các nhà phân tích nhận định việc nguồn cung đường từ Thái Lan bị sụt giảm sẽ giúp giá đường trên thị trường quốc tế tăng lên. Giá đường đang đạt mức cao nhất trong 2,5 năm trở lại đây. Thái Lan hiện là nước xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới.
Ông Rangsit Hiangrat nhận định tình trạng hạn hán sẽ còn tiếp tục tác động xấu đến ngành mía đường Thái Lan trong năm 2021 và dự báo sản lượng đường của nước này trong niên vụ 2020/2021 (bắt đầu từ tháng 10/2020) có thể giảm xuống dưới ngưỡng 10 triệu tấn.
Mùa khô của Thái Lan trong năm nay được dự báo sẽ kéo dài đến tháng 6, thay vì kết thúc vào tháng 4 như hàng năm. Các nhà máy đường Thái Lan thông thường sẽ tiến hành vụ ép cho đến đầu tháng 5 nhưng vụ ép năm nay có thể sẽ kết thúc sớm vào đầu tháng 3 do thiếu nguyên liệu, theo ông Rangsit Hiangrat.
Ngành mía đường Ấn Độ hiện cũng đang chống chọi với tình trạng hạn hán. Sản lượng đường của Ấn Độ trong niên vụ 2019/2020 được dự báo sẽ sụt giảm khoảng 18% so với niên vụ trước. Ấn Độ là một trong những quốc gia tiêu thụ đường lớn nhất trên thế giới.
Các nhà phân tích dự báo giá đường thô trên thị trường thế giới có thể tăng thêm 3% cho đến cuối năm 2020 do nguồn cung đường bị hạn chế.