Dự kiến ghi nhận lợi nhuận bán đất KCN VSIP III trong năm 2024
Theo đánh giá mới đây của hãng Chứng khoán Vietcap, Công ty Cổ phần Cao su Phước Hoà (mã cổ phiếu PHR - sàn HoSE) có thể ghi nhận doanh thu thuần 1.375 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 686 tỷ đồng, lần lượt giảm 20% và 39% so với mức thực hiện của năm 2022.
Nguyên nhân chủ yếu do giá bán cao su trung bình cả năm 2023 ước giảm 12% so với năm 2022, xuống còn 34,1 triệu đồng/tấn, và sản lượng tiêu thụ cũng thấp hơn do nhu cầu yếu. Đồng thời, Cao su Phước Hoà có thể không ghi nhận doanh số từ việc cho thuê đất khu công nghiệp trong quý 4/2023.
Đáng chú ý, Chứng khoán Vietcap nhận định, trong năm nay, Cao su Phước Hoà có thể chưa ghi nhận được 20% lợi nhuận bán đất của Khu công nghiệp VSIP III sau khi đã chuyển đổi 691 ha đất cho dự án khu công nghiệp này. Việc ghi nhận khoản lợi nhuận này sẽ bị trì hoãn sang năm 2024.
Về triển vọng kinh doanh năm 2024, doanh thu của Cao su Phước Hoà có thể sẽ ở mức tương đương nhưng lãi ròng sẽ giảm 15% so với năm 2023. Mặc dù mảng cao su dự kiến sẽ phục hồi tích cực nhưng mảng khu công nghiệp sẽ suy giảm mạnh do Cao su Phước Hoà không còn đất để cho thuê. Khu công nghiệp Tân Bình của doanh nghiệp này hiện đã được lấp đầy hoàn toàn.
Kỳ vọng tiến độ pháp lý các dự án KCN mới được đẩy nhanh
Triển vọng mảng khu công nghiệp của Cao su Phước Hoà hiện phụ thuộc hoàn toàn vào tiến độ hoàn thành thủ tục pháp lý của các dự án mới. Trong đó, Khu công nghiệp Tân Lập (200 ha, đang chờ phê duyệt quy hoạch tổng thể 1/2.000), Khu công nghiệp Tân Bình Mở rộng (1.055 ha, đang chờ phê duyệt đầu tư), và Cụm công nghiệp Tân Định (300 ha, đang chờ phê duyệt đầu tư), kỳ vọng có thể đưa vào khai thác và đóng góp doanh thu từ 2025 - 2026.
Hiện tiến độ pháp lý của các dự án này trong năm 2024 được kỳ vọng sẽ được cải thiện sau khi quy hoạch tổng thể của tỉnh Bình Dương được phê duyệt. Ngoài ra, việc xin phê duyệt đầu tư cho các cụm công nghiệp có thể sẽ nhanh chóng hơn vì các cụm công nghiệp có diện tích dưới 75 ha có thể được phê duyệt đầu tư từ chính quyền cấp tỉnh thay vì từ Thủ tướng Chính phủ.
Trong trung và dài hạn, hoạt động kinh doanh của Cao su Phước Hoà sẽ hưởng lợi nhờ sở hữu quỹ đất cao su lớn lên tới hơn 15.600 ha có thể chuyển đổi thành đất công nghiệp trong khi nguồn cung đất công nghiệp mới tại Bình Dương sẽ ngày càng ít hơn. Đồng thời, việc chuyển đổi đất từ đất cao su sẽ có chi phí giải phóng mặt bằng thấp hơn đáng kể.
Theo sự chỉ đạo của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Cao su Phước Hoà đã xây dựng kế hoạch sử dụng đất cho hơn 10.000 ha từ nay cho đến 2030, trong đó gần 5.000 ha sẽ quy hoạch khu công nghiệp và 1.018 ha quy hoạch cụm công nghiệp.