Đúng 1 tuần nữa Mỹ sẽ quyết định có khởi xướng điều tra 2 sản phẩm thép từ Việt Nam hay không

Theo quy định, Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ xem xét và đưa ra quyết định có khởi xướng điều tra hay không trong vòng 45 ngày kể từ ngày nhận được đơn (dự kiến ngày 27 tháng 7 năm 2018)

Ngày 12 tháng 6 năm 2018, một số doanh nghiệp sản xuất thép của Mỹ đã nộp yêu cầu điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tới Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đối với sản phẩm thép chống ăn mòn, thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam do nghi ngờ lẩn tránh thuế.

Nguyên đơn cáo buộc rằng sau khi Hoa Kỳ tiến hành điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp vào năm 2015, lượng nhập khẩu thép CORE và CRS từ Hàn Quốc và Đài Loan giảm, trong khi đó lượng nhập khẩu từ Việt Nam gia tăng nhanh chóng. Theo quy định, Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ xem xét và đưa ra quyết định có khởi xướng điều tra hay không trong vòng 45 ngày kể từ ngày nhận được đơn (dự kiến ngày 27 tháng 7 năm 2018) và ban hành quyết định cuối cùng trong vòng 300 ngày kể từ khi khởi xướng (dự kiến ngày 23 tháng 5 năm 2019).

Thép là một ngành sản xuất được Hoa Kỳ bảo hộ mạnh mẽ và cũng là nguồn cơn khởi phát xung đột thương mại của nước này với hàng loạt các nước. Tháng 6 năm nay, Mỹ áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Canada, Mê hi cô, Nga.

Đầu tháng 7, Nga đã tham vấn bằng việc lưu hành một văn bản trong các nước thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để bắt đầu tiến hành các bước đấu tranh tại WTO đối với Mỹ. Tham vấn là bước đầu tiên trong quá trình tiến hành một cuộc đấu tranh pháp lý đầy đủ tại WTO. Động thái này cũng có nghĩa là Nga đã cùng các thành viên “nặng ký” khác của WTO – gồm Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico và Canada – tham gia cuộc tranh đấu “phản kháng” các chính sách thương mại gây tranh cãi của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tình hình trên cho thấy, thép là một ngành “nhạy cảm” đối với Mỹ, Tổng thống Donald Trump sẵn sàng “muối mặt” ngay cả với đồng minh để bảo vệ sản xuất nội địa.

Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương nước ta đã khuyến nghị, trong trường hợp Bộ Thương mại Hoa kỳ khởi xướng điều tra, các doanh nghiệp xuất khẩu liên quan của Việt Nam cần tham gia và hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra để đảm bảo kết quả tích cực trong vụ việc đồng thời trao đổi, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong quá trình xử lý vụ việc.

Trước đó, Ngành Thép Việt Nam đã thắng kiện trong vụ chống bán giá thép cuộn xuất khẩu sang Úc. Ủy ban Chống bán phá giá Úc (ADC) đã ban hành phán quyết cuối cùng về vụ kiện Chống bán phá giá thép dây cuộn nhập khẩu từ Hàn Quốc, Indonesia và Việt Nam. Theo đó, biên độ bán phá giá đối với thép cuộn nhập khẩu của Việt Nam ((Tập đoàn Hòa Phát) vào Úc chỉ là -1,3%, không bị coi là bán phá giá và ADC đã quyết định chấm dứt cuộc điều tra.

Trong vụ việc này, bị đơn của phía Việt Nam là Tập đoàn Hòa Phát đã chủ động phối hợp với phía ADC trong việc trả lời và cung cấp đầy đủ mọi thông tin, tài liệu theo yêu cầu của phái đoàn đại diện ADC thẩm tra trực tiếp trong tháng 8/2017. Đồng thời, Hòa Phát cũng tích cực đưa ra những bản đệ trình phản biện các lập luận của nguyên đơn (One Steel) và cung cấp bổ sung đầy đủ hồ sơ chứng minh theo yêu cầu của ADC.

Cơ quan điều tra Úc đã kết luận, không có sự hỗ trợ của Chính phủ liên quan đến giá điện, các nguyên liệu đầu vào để sản xuất thép của các doanh nghiệp sản xuất thép dây cuộn, trong đó có Hòa Phát và không tồn tại tình trạng thị trường đặc biệt đối với ngành thép dây cuộn tại Việt Nam. Đây là một kinh nghiệm quý báu đối với ngành thép nước ta trong trường hợp Mỹ khởi xướng điều tra vào ngày 27/7 tới.