Đường dây 500 kV mạch 1: Kể lại câu chuyện 20 năm về một công trình lịch sử

Nhằm hướng tới kỷ niệm 20 năm công trình đường dây 500 kV mạch 1, chào mừng 60 năm ngành điện cách mạng Việt Nam, vừa qua, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia tổ chức chuyến “hành trình về với chiến

Đây là một chuyến đi đầy ý nghĩa với sự tham gia của các vị cán bộ lão thành đã từng tham gia thiết kế, xây dựng và vận hành công trình ĐZ 500 kV mạch 1. Hành trình xuất phát từ thành phố Hồ Chí Minh, thăm các trạm 500 kV Phú Lâm, Pleiku, Đà Nẵng các vị trí cột dọc tuyến đường dây và kết thúc tại Hà Nội.

Xây dựng công trình lịch sử

Đường dây 500 kV Bắc – Nam là công trình đường dây truyền tải điện năng siêu cao áp 500 kV đầu tiên tại Việt Nam, có tổng chiều dài 1.487 km, với 3.437 trụ tháp sắt kéo dài từ Nhà máy thủy điện Hòa Bình đến trạm 500 kV Phú Lâm (Thành phố Hồ Chí Minh) – được chính Thủ tướng Chính phủ lúc bấy giờ là đồng chí Võ Văn Kiệt chỉ đạo phải đầu tư xây dựng đường dây để đưa năng lượng điện thừa từ miền Bắc (Nhà máy điện Hòa Bình, Thác Bà, Nhiệt điện Phả Lại, Uông Bí, Ninh Bình…) cung cấp cho miền Nam đang trong tình trạng thiếu điện nghiêm trọng. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, chỉ sau 02 năm 02 tháng, đường dây hoàn thành, đóng điện thành công hòa lưới quốc gia lúc 19h07ph ngày 27/05/1994. Có thể nói, đây là một sự kiện lịch sử đánh dấu một mốc son trong sự kiện phát triển của ngành điện Việt Nam mà những người thực hiện công trình này không thể nào quên.

Sáng 23/4/2014, chuyến hành trình bắt đầu từ thành phố Hồ Chí Minh, thăm trạm biến áp 500 kV Phú Lâm, là điểm nhận điện cuối cùng trên tuyến của miền Nam đón dòng điện từ miền Bắc, chính nơi này Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký tên lưu dấu ngày 21/01/1993 lịch sử. Các cựu lão thành của ngành điện có mặt ở đây hôm nay ai cũng có những nỗi niềm không tả hết, những câu chuyện từ 20 năm trước được kể lại sống động như mới xảy ra ngày hôm qua, từ những khó khăn vất vả, những niềm vui khi công việc hoàn thành, những kỳ tích trong lao động…đã để lại cho thế hệ sau một nguồn tài liệu quý báu, là tài sản lớn lao mà thế hệ cha anh đã để lại, những lớp con cháu mai sau có trách nhiệm gìn giữ phát huy như lời ông Nguyễn Thành Lân, Giám đốc Công ty Truyền tải Điện 4 phát biểu khi chia sẻ cảm xúc với đoàn: Buổi gặp mặt ngày hôm nay là sự kiện hiếm có, nhìn thấy các bậc lão thành của ngành điện cách đây 20 năm đã từng có nhiều cống hiến cho ngành điện Việt Nam, giờ đây tuy tuổi cao nhưng ý chí và tinh thần không giảm sút mặc dù có dấu ấn của thời gian. Những câu chuyện, thành tích của các bậc lão thành thực sự ý nghĩa để lớp lớp thế hệ kế tiếp Công ty Truyền tải Điện 4 noi gương học tập.

Những cảm xúc của lớp người đi trước.

Theo ông Trần Viết Ngãi – Nguyên Phó Tổng GĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Phó ban chỉ huy công trình đường dây 500kV Bắc – Nam cho biết: Người có tính quyết định với công trình là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người đã huy động được sức mạnh của toàn dân và quyết tâm rất lớn của toàn hệ thống chính trị. Thời gian thi công công trình chỉ thực hiện trong vòng 02 năm, yếu tố then chốt quyết định đến thành công của dự án theo đúng tiến độ là con người. Lúc bấy giờ, trên công trường có hàng vạn người từ nhân dân, cán bộ chiến sỹ, quân đội, công an … công trường như một chiến trường không tiếng súng. Để có được công trình vĩ đại này, đã có rất nhiều hy sinh mất mát của các thế hệ đi trước và công trình đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, tạo tiền đề, bước ngoặt cho ngành điện Việt Nam.

Cùng chung dòng cảm xúc đó, Giáo sư-Viện sỹ Trần Đình Long- Nguyên Phó chủ tịch Hội đồng quản lý EVN bồi hồi: Ý nghĩa lớn nhất của công trình đó là công trình có tính lịch sử, lần đầu tiên tại Việt Nam vận hành lưới điện có cấp điện áp đến 500 kV, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển hệ thống điện Việt Nam. Về mặt kỹ thuật, đường dây đã hợp nhất hệ thống điện 3 miền Bắc – Trung – Nam nhờ đó tăng cường liên kết lưới điện truyền tải cấp 500 kV, tăng tính ổn định và độ tin cậy chung của toàn hệ thống.

Xúc động nhớ lại kỷ niệm ngày ấy, bà Hồ Thị Bích Phượng - Nguyên Giám đốc Công ty Truyền tải Điện 4 tâm sự: Đêm 27/5/1994 tại trạm 500 kV Phú Lâm, sau khi nhận được lệnh của Thủ tướng, TTĐ2 đã thao tác hòa điện tại trạm biến áp 500 kV Đà Nẵng, ghi nhận các tín hiệu dòng - áp tại trạm Phú Lâm, lần đầu tiên nhân dân miền Nam nhận dòng điện truyền tải từ miền Bắc vào trong niềm vui khôn xiết. Vậy mà 20 năm đã trôi qua, hôm nay tôi vẫn khoác trên mình chiếc áo mặc năm xưa trong ngày đóng điện lịch sử, để thầm như nhắc nhở mình và các thế hệ cán bộ công nhân viên kế tiếp cần cố gắng phát huy hơn nữa sức trẻ sự nghiệp lao động sáng tạo ngày đêm để vận hành an toàn hiệu quả công trình mang tầm lịch sử.

             Cán bộ lão thành chụp ảnh lưu niệm với Lãnh đạo Tổng Công ty Truyền tải Điện Quốc gia

Trong suốt cuộc hành trình, từ trạm Phú Lâm đến nghĩa trang thành phố, dâng hương cố Thủ tướng, đến trạm Pleiku, rồi Trạm Đà Nẵng.... với những câu chuyện cảm động được các vị cán bộ lão thành kể lại, những vấn đề khó khăn phức tạp trong quá trình thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành đường dây 500 kV Bắc Nam. Chúng ta như đang được sống lại một thời kỳ hào hùng của ngành Điện Việt Nam. Khẳng định vị thế của ĐZ 500 kV Bắc - Nam sau 20 năm vận hành, đã mang lại hiệu quả to lớn cho đất nước, tầm nhìn vĩ mô của Đảng và Nhà nước khi quyết định mang tính chiến lược đầu tư hệ thống ĐZ siêu cao áp. Việc thiết kế, xây dựng và quản lý vận hành thành công đường dây trong thời gian qua thể hiện sự phát triển vượt bậc của ngành điện Việt Nam trong khoa học, công nghệ cũng như quản lý. Do đó, ĐZ 500 kV Bắc Nam đã trở thành phần tử quan trọng nhất và là nền tảng cho sự phát triển, mở rộng vươn xa như ngày hôm nay của lưới truyền tải điện Quốc gia.

Chia sẻ với đoàn, ông Đặng Phan Tường, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia: Tổng Công ty vinh dự được nhận nhiệm vụ quản lý vận hành một công trình mang tính lịch sử của những năm cuối thế kỷ 20 – Đường dây siêu cao áp 500 kV Bắc - Nam. Kế tục sự nghiệp của cha anh, 20 năm qua lớp lớp các thế hệ cán bộ, công nhân đã không ngừng nỗ lực phấn đấu vận hành an toàn liên tục đường dây; Thường xuyên kiểm tra sửa chữa, bảo dưỡng, đại tu, nâng cao năng lực truyền tải điện của đường dây; Áp dụng nhiều tiến bộ khoa học công nghệ mới trong quản lý vận hành, đặc biệt là đến năm 2013 Tổng Công ty đã thực hiện xong việc lắp tụ bù dọc trên toàn tuyến đường dây, nâng khả năng tải của đường dây lên gấp 2 lần so với thiết kế ban đầu, từ 1000A lên 2000A, kịp thời tải công suất từ các nhà máy thủy điện từ các tỉnh miền Bắc và miền Trung cho miền Nam.

Khởi nguồn từ công trình lịch sử

Từ đường dây 500 kV Bắc - Nam mạch 1 đã làm nền tảng cho lưới điện truyền tải phát triển phủ khắp đất nước, đến 61/63 tỉnh thành như ngày hôm nay. Và ngày 05/05/2014, chúng ta đã hoàn thành và đóng điện đưa vào vận hành đường dây 500 kV Pleiku - Mỹ Phước – Cầu Bông mạch 3 với tổng chiều dài là 445 km và Trạm 500 kV Cầu Bông, việc đưa vào vận hành đường dây 500 kV Pleilu - Mỹ Phước – Cầu Bông có ý nghĩa vô cùng quan trọng được xác định là đường dây 500 kV của hệ thống lưới điện truyền tải Bắc -Nam. Qua đó tăng khả năng truyền tải đoạn từ Pleiku vào miền Nam lên 2.300 MW ngay khi đưa vào vận hành. Làm cơ sở để hình thành hệ thống liên kết lưới điện truyền tải 500 kV của Việt Nam với các nước trong khu vực như Lào – Campuchia.

Thực tế, qua 20 năm vận hành đã chứng minh thêm cho sự thành công vượt bậc của dự án công trình đường dây 500kV Bắc - Nam, tiếp tục khẳng định bản lĩnh, trí tuệ của những người làm năng lượng và hơn hết, đó là trách nhiệm của ngành điện đối với đất nước, với cộng đồng. Đường dây 500 kV Bắc Nam là một mốc son quan trọng nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang của các thế hệ cán bộ, công nhân của ngành Điện nói chung và những người tham gia xây dựng, quản lý vận hành ĐZ 500 kV Bắc - Nam nói riêng. Từ đó giáo dục cho các thế hệ cán bộ công nhân viên ngành điện lòng tự hào và trách nhiệm trong việc tiếp tục giữ vững và phát huy truyền thống anh hùng của ngành Điện cách mạng Việt Nam, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.