Trong quý 4/2023 vừa qua, Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã cổ phiếu QNS - sàn UPCoM) ghi nhận doanh thu thuần tăng 17% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 2.274 tỷ đồng. Xét về cơ cấu doanh thu, mảng đường đóng góp tới 40,1% tổng doanh thu; theo sau là mảng sữa đậu nành với 39,4% và các mảng khác với 20,5%.
Mảng đường ghi nhận kết quả ấn tượng với mức tăng trưởng doanh thu lên đến hơn 74% so với quý 4/2022, nhờ sản lượng tiêu thụ tăng 40% và giá bán đường tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong khi đó, doanh thu từ doanh thu mảng sữa đậu nành lại giảm nhẹ 2% so với quý 4/2022, chủ yếu do sản lượng tiêu thụ giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Biên lợi nhuận gộp của Đường Quảng Ngãi trong quý 4/2023 cũng tiếp tục tăng mạnh thêm 9,6 điểm phần trăm, đạt 39,8%, chủ yếu nhờ giá đường tăng cao. Giá đường trong nước những tháng cuối năm 2023 tiếp tục ở mức cao trong bối cảnh giá đường thế giới neo cao, và thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đường mía nhập từ Thái Lan có tác động rõ rệt hơn.
Tính chung cả năm 2023, tổng doanh thu của Đường Quảng Ngãi tăng 21% so với năm 2022, đạt 10.023 tỷ đồng; lãi ròng tăng mạnh 70%, đạt 2.189 tỷ đồng.
Theo chia sẻ mới đây của ban lãnh đạo Đường Quảng Ngãi, giá đường nội địa dự kiến sẽ duy trì ở mức cao trong nửa đầu năm nay, Dự kiến, sản lượng đường RE của công ty năm nay sẽ đạt 40.000 - 50.000 tấn.
Bên cạnh đó, Đường Quảng Ngãi đã chốt giá hợp đồng cho 90% nguyên liệu đầu vào sản xuất sữa đậu nành với mức giá thấp hơn 8% so với năm 2023. Do đó, công ty kỳ vọng biên lợi nhuận gộp mảng sữa đậu nành tăng nhẹ trong năm 2024.
Đậu nành là nguyên liệu chính, chiếm đến 30% trong cơ cấu chi phí sản xuất mảng sữa đậu nành của Đường Quảng Ngãi.
Theo đánh giá của hãng chứng khoán FPT Securities (FPTS), trong bối cảnh tiêu thụ toàn ngành sữa Việt Nam bị suy giảm dưới tác động của sức mua yếu, tiêu thụ sữa đậu nành của Đường Quảng Ngãi trong năm 2023 đã chịu tác động tiêu cực do khách hàng chính của doanh nghiệp tập trung ở khu vực nông thôn vốn nhạy cảm hơn về giá.
Bên cạnh đó, các kênh phân phối truyền thống (cửa hàng tạp hoá, đại lý bán lẻ…) chịu ảnh hưởng lớn hơn từ lạm phát so với kênh phân phối hiện đại; trong khi đó, kênh phân phối truyền thống lại là kênh phân phối chủ đạo của Đường Quảng Ngãi.
Bước sang năm 2024, tiêu thụ sữa đậu nành của Đường Quảng Ngãi dự kiến sẽ phục hồi 5% nhờ những hiệu quả trong hoạt động marketing và bán hàng.
Cụ thể, đối với hoạt động marketing, cuối tháng 8/2023, Đường Quảng Ngãi đã công bố nhận diện thương hiệu mới cho nhãn hàng sữa đậu nành chủ lực Fami với những thay đổi trong thiết kế bao bì sản phẩm, thông điệp truyền thông chủ yếu nhấn mạnh tầm quan trọng của dinh dưỡng thực vật. Đây cũng là định hướng phát triển mảng sữa của Đường Quảng Ngãi trong thời gian tới.
Đối với chính sách bán hàng, Đường Quảng Ngãi đã đẩy mạnh đầu tư cho các hoạt động khuyến mãi, hỗ trợ bán hàng, hoa hồng đại lý. Điều này đã giúp kích cầu tiêu thụ sản phẩm tại các điểm bán lẻ của kênh phân phối truyền thống kể từ quý 3/2023.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 16/2, thị giá cổ phiếu QNS đạt 48.400 đồng/cổ phiếu.