Dự kiến mảng sữa đậu nành phục hồi tích cực
Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã cổ phiếu QNS - sàn UPCoM) cho biết doanh thu tháng 1/2024 đã tăng trưởng tới 83% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 1.047 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do Tết Nguyên đán năm nay đến muộn hơn, rơi vào tháng 2, nên các nhà phân phối đã tăng cường tích trữ hàng trong tháng 1.
Xét về cơ cấu sản phẩm, doanh thu mảng đường và mảng sữa đầu nành trong tháng 1/2024 lần lượt tăng 186% và tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, nhờ sản lượng lần lượt tăng 150% và tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022.
Do đó, lợi nhuận trước thuế của Đường Quảng Ngãi trong tháng 1/2024 tăng 190%, đạt 230 tỷ đồng.
Về triển vọng kinh doanh trong thời gian tới, ban lãnh đạo Đường Quảng Ngãi cho biết công ty đang có kế hoạch tung ra thị trường sản phẩm sữa đậu nành mới hướng tới phân khúc khách hàng thành thị.
Trong bối cảnh tiêu thụ toàn ngành sữa Việt Nam bị suy giảm dưới tác động của sức mua yếu, tiêu thụ sữa đậu nành của Đường Quảng Ngãi trong năm 2023 đã chịu tác động tiêu cực do khách hàng chính của doanh nghiệp tập trung ở khu vực nông thôn vốn nhạy cảm hơn về giá.
Bên cạnh đó, các kênh phân phối truyền thống (cửa hàng tạp hoá, đại lý bán lẻ…) chịu ảnh hưởng lớn hơn từ lạm phát so với kênh phân phối hiện đại; trong khi đó, kênh phân phối truyền thống lại là kênh phân phối chủ đạo của Đường Quảng Ngãi.
Tuy nhiên, điểm sáng là thị phần mảng sữa đậu nành của Đường Quảng Ngãi đang có xu hướng tăng dần qua các quý gần đây nhờ các nỗ lực marketing của công ty. Doanh nghiệp đường này đang chiếm khoảng 80% thị phần sữa đậu nành (xét theo sản lượng) tại Việt Nam.
Hiện VNDirect Research nhận định doanh thu mảng sữa đậu của Đường Quảng Ngãi năm nay sẽ tăng tới 7,8% khi sức mua phục hồi, thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ sữa các loại. Đáng chú ý, trong nửa cuối năm 2023, Đường Quảng Ngãi đã chốt 70% lượng đầu nành cần cho sản xuất trong năm 2024 với mức giá thấp hơn khoảng 8%.
Giá đường nội địa dự kiến duy trì ở mức cao trong ngắn hạn
Đối với mảng đường, mặc dù giá đường thế giới đang có xu hướng hạ nhiệt nhưng ban lãnh đạo Đường Quảng Ngãi nhận định giá đường trong nước sẽ duy trì ở mức cao trong nửa đầu năm nay.
Theo đánh giá mới đây của Tổ chức Đường Quốc tế (ISO), thiếu hụt nguồn cung đường trên toàn cầu trong năm nay dự kiến sẽ chỉ còn ở mức 0,33 triệu tấn, thấp hơn nhiều so với mức 2,1 triệu tấn được dự báo trước đây. Nguyên nhân chủ yếu do sản lượng đường tại Brazil dự kiến sẽ tăng 15%, bù đắp cho sự sụt giảm sản lượng tại Ấn Độ và Thái Lan. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (World Bank) dự báo giá đường thế giới niên vụ 2023/2024 sẽ giảm 5,7% so với niên vụ trước nhờ nguồn cung cải thiện.
Tuy nhiên, đồng quan điểm với ban lãnh đạo Đường Quảng Ngãi, VNDirect Research nhận định giá đường nội địa sẽ ổn định trong nửa đầu năm 2024 trong bối cảnh đa số các doanh nghiệp đường nội địa không còn nhiều hàng tồn kho.
Hầu hết sản lượng đường từ niên vụ 2022/2023 của các doanh nghiệp mía đường hiện đã được tiêu thụ và các nhà máy đường mới bắt đầu mùa vụ ép mía trong quý 1/2024. Đồng thời, nhu cầu tiêu thụ đường trong nước niên vụ 2023/2024 dự kiến tăng 3,7%, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).
Về dài hạn, giá đường trong nước sẽ điều chỉnh giảm theo giá đường thế giới nhưng vẫn cao hơn so với mức giá trung bình trong 2019/2021 (13.779 đồng/kg) nhờ các biện pháp phòng vệ thương mại của Bộ Công Thương đối với đường nhập khẩu có nguồn gốc từ Thái Lan.
VNDirect Research hiện dự báo doanh thu mảng đường năm nay của Đường Quảng Ngãi tăng nhẹ 1,2% so với năm 2023, chủ yếu nhờ sản lượng tiêu thụ tăng, giúp bù đắp sự sụt giảm về giá so với mức cao kỷ lục trong năm 2023.