Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là tập đoàn kinh tế lớn của đất nước, trong những năm qua, EVN đã nỗ lực tập trung trong mọi lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước, góp phần giữ vững an ninh quốc phòng bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với nhiều hoạt động của Tập đoàn, hoạt động bình đẳng giới (BĐG), vì sự phát triển của phụ nữ luôn được các cấp lãnh đạo quan tâm, theo đó xây dựng môi trường bình đẳng giới và phát triển quyền năng phụ nữ cũng chính là mục tiêu kế hoạch bình đẳng giới, vì sự phát triển phụ nữ (2016-2020) của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, coi đây là nhiệm vụ quan trọng góp phần xây dựng nguồn nhân lực bình đẳng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và phát triển bền vững EVN.
Theo Kế hoạch Hành động Bình đẳng Giới, Tập đoàn đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu phụ nữ EVN được nâng cao trình độ về mọi mặt, có trình độ hoạc vấn, chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng nhiệm vụ chiến lược của Tập đoàn. Chỉ tiêu tăng tỷ lệ cán bộ nữ từ cấp phòng ban xưởng đội lên đến cấp Tập đoàn là 14,5 % so với tổng số cán bộ quản lý cùng cấp; đồng thời phấn đấu đến năm 2020 có lãnh đạo chủ chốt là nữ ở đơn vị. Với mục tiêu này chỉ dừng lại ở mức độ khiêm tốn, tăng 1,8% so với những năm trước đây, tuy nhiên với đặc thù là một ngành kỹ thuật, tỷ lệ lao động nữ luôn thấp hơn lao động nam, chỉ giao động từ 19 – 20,6%. Trong giai đoạn này, với việc tái cơ cấu Tập đoàn, ngừng tuyển dụng lao động mới thì đây lại là mục tiêu tham vọng và thực tế, điều này có nghĩa là không phải đơn vị nào cũng có đủ nhân sự nữ thỏa mãn các điều kiện để quy hoạch,đề bạt,bổ nhiệm.
Năm 2017, được sự hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới (WORLD BANK) từ Dự án hỗ trợ EVN trong việc thực hiện Kế hoạch hành động bình đẳng giới, theo đó vấn đề hỗ trợ đội ngũ cán bộ nữ, xây dựng hệ thống nhân sự, lãnh đạo cấp cao đã được đề cập trong bản khuyến nghị của nhóm Tư vấn World bank. Qua đó EVN đã đẩy mạnh cam kết tăng cường cơ hội bình đẳng về nguồn nhân lực của Tập đoàn bằng việc triển khai chương trình đào tạo lãnh đạo nữ và chương trình cố vấn. Hiện nay chương trình này đang được triển khai đến tất cả 9 Tổng công ty trong EVN với trên 700 lượt cán bộ nữ được tham gia đào tạo.
Cùng với nỗ lực đó và sự giới thiệu của World bank, tháng 2/2018, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tham gia và là một trong những thành viên sáng lập của Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ Vietnam Business Coalition for Women’s Empowerment – (VBCWE), đây là tổ chức được thành lập qua chương trình Đầu tư cho phụ nữ (Investing in Women - IW) của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc, nhằm theo đuổi mục tiêu bình đẳng giới tại nơi làm việc và phát triển quyền năng phụ nữ tại nơi làm việc. Đây cũng là cơ hội cho EVN kết nối trực tiếp với các tổ chức quốc tế, gia tăng sức ảnh hưởng của thị trường và cộng đồng trong nước....
Để có cách nhìn tổng quan về BĐG thông qua các công cụ đánh giá, tháng 4/2018 VBCWE đã phối hợp cùng EVN tổ chức đào tạo chứng chỉ bình đẳng giới toàn cầu (EDGE) phạm vi cấpTập đoàn cho đối tượng là cán bộ làm công tác nhân sự và cán bộ quản lý phần mềm HRMS các đơn vị trực thuộc Tập đoàn.Tháng 6/2018,Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh (EVNHCM)là đơn vị được EVN lựa chọn ngẫu nhiên triển khai thí điểm khảo sát đánh giá theo các chỉ số EDGE. Theo đó EDGE đã tiến hành việc khảo sát đánh giá theo quy trình 4 bước và khung đánh giá dựa trên 3 nguồn thông tin. Đó là đánh giá dựa trên sự đa dạng giới, bình đẳng tiền lương; tính hiệu quả của các chính sách và thực tế; tính bao trùm của văn hóa doanh nghiệp. Đồng thời, so sánh tuyệt đối dựa trên các tiêu chuẩn của EDGE và so sánh tương đối với các công ty khác trên thị trường. 3 nguồn thông tin phục vụ việc đánh giá là dữ liệu liên quan đến bình đẳng giới, các chính sách và hành động được thực hiện để hình thành cơ sở bình đẳng giới, khảo sát nhân viên để nắm trải nghiệm và nhận thức về bình đẳng giới nơi công sở. EDGE đã thực hiện việc khảo sát nhân viên bằng cách gửi bảng khảo sát và nhận trả lời trực tiếp từ cán bộ nhân viên (CBCNV) Tổng công ty qua kênh trực tuyến. 100% CBCNV EVNHCM đã tham gia khảo sát. Toàn bộ quá trình được FLOCert GmbH (Thụy Sỹ) – đơn vị kiểm toán độc lập – thực hiện từ tháng 8/2018, và ngày 14/11/2018 đã đánh giá và cấp Chứng nhận Bình đẳng giới toàn cầu – EDGE Assess Certificate cho EVNHCM. Đây cũng là đơn vị đầu tiên của Việt Nam được trao Chứng nhận Bình đẳng giới toàn cầu – EDGE Assess Certificate.
Thắng lợi này từng bước khẳng định EVN có một môi trường làm việc tốt, tạo điều kiện cho lao động nữ phát huy tài năng, cống hiến, đảm bảo việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống tinh thần. Bên cạnh EVNHCM, các Tổng công ty khác thuộc Tập đoàn như EVNNPC, CPC, SPC, HN, GENCO3…nếu có tham gia khảo sát đánh giá theo các chỉ số EDGE sẽ nhận được những kết quả tương tự. Để nâng cao hiệu quả công tác bình đẳng giới trong sự phát triển bền vững của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, sau kết quả đánh giá của EVNHCM, cùng với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới trong giai đoạn tiếp theo, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ EVN phối hợp với Công đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục tham mưu đề xuất các giải pháp thực hiện chỉ tiêu Kế hoạch Hành động BĐG, bằng việc tổ chức các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực, kỹ năng lãnh đạo, học tập kinh nghiệm thành công quốc tế, đồng thời đề xuất Lãnh đạo chỉ đạo hoàn thiện các chính sách quản lý và phát triển nhân sự tại tập đoàn, quan tâm nguồn nhân lực nữ.
Thúc đẩy các cơ hội bình đẳng không chỉ tạo nên một môi trường làm việc tốt, phát triển hiệu quả cho nguồn nhân lực tiềm năng của EVN, nó còn mang lại những lợi ích lâu dài góp phần xây dựng ngành năng lượng nói chung và Tập đoàn Điện lực Việt Nam nói riêng phát triển bền vững và ổn định cho đất nước.