Hàng năm,
cứ vào đợt cao điểm nắng nóng, công tác phục vụ khách hàng, sửa chữa, khắc phục
sự cố của ngành Điện lại chiếm sự quan tâm đặc biệt của dư luận và đặc biệt là
của giới truyền thông. Có lẽ, cái nóng khủng khiếp khi đứng giữa đất trời, trên độ cao mấy chục mét để sửa chữa khắc phục sự cố trong nhiệt độ hơn 40oC
cũng không khiến họ toát mồ hôi hột bằng việc nhận được những hồi âm, những phản
ánh không tốt từ phía khách hàng.
Khác với các công ty điện lực ở các tỉnh thành trong miền Nam, nơi quanh năm một mùa, miền Bắc luôn có hai dạng thời tiết đông - hè khắc nhau đến trái ngược, nên ngành Điện lực ở đây cũng vì vậy mà có cái gọi là “cao điểm nắng nóng”. Điều này có nghĩa là những khó khăn, gian khổ đặc thù của ngành Điện “làm dâu trăm họ” này tại khu vực phía Bắc càng nhân lên gấp bội. Cái nóng nực bức bối luôn trở thành một vị khách không mời mà đến thách thức tất cả mọi người dù là bình tĩnh nhất. Chỉ cần một sự cố nhỏ thôi, điện chỉ cần không có trong một thời gian ngắn thôi, thì mọi trật tự sinh hoạt của cuộc sống sẽ bị đảo lộn. Do vậy, mục tiêu của toàn ngành Điện, đặc biệt là khu vực phía Bắc mùa nắng nóng là không cắt điện khi nhiệt độ trên 36oC và chỉ đạo các đơn vị thành viên tăng thêm người trực, tăng ca trực để đảm bảo việc cấp điện cho người dân. Tuy nhiên, vẫn có những điều đáng tiếc đã xảy ra và trở thành những nỗi trăn trở của không ít người, đặc biệt là đối với ngành Điện.
Câu chuyện của những năm trước chưa bao giờ là cũ. Năm nay, nắm được tâm lý khách hàng mùa nắng nóng và đặc biệt quán triệt chủ trương áp dụng hàng loạt giải pháp về công nghệ và cách quản lý khoa học, hiện đại, công tác chăm sóc khách hàng của EVN Hà Nội đã thực sự “thay máu” bằng việc đưa khách hàng đồng hành cùng ngành Điện. Nhờ vậy, EVN Hà Nội đã có một mùa hè bớt nóng.Theo chia sẻ của ông Đặng Thanh Hoàng - Giám đốc Công ty Điện lực Tây Hồ, trong hai tháng cao điểm 6 và 7/2016 này, sản lượng điện thương phẩm tăng lên rõ rệt. Cụ thể: Sản lượng điện thương phẩm tháng 6/2016 tăng so với tháng 5/2016 là 29,6% và thương phẩm tháng 7/2016 tăng so với tháng 5/2016 là 40,6%. Sản lượng điện 3 tháng 5, 6, 7/2016 so với cùng kỳ năm 2015 tăng 0,67%. Tây Hồ là một địa bàn rộng với diện tích là trên 24km2, nhưng sản xuất công nghiệp lớn là không có, chủ yếu là khách sạn, nhà hàng, biệt thự, vila, và một chút sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Xác định mục tiêu số 1 trong hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN là “Đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống nhân dân”, Công ty Điện lực Tây Hồ đã triển khai đồng loạt các nhiệm vụ, như: Bố trí lực lượng ứng trực khi nhiệt độ ngoài trời bằng và trên 35oC để kịp thời xử lý nếu có sự cố xảy ra, giảm thiểu thời gian mất điện của khách hàng, ưu tiên bảo đảm điện cho các hộ gia đình; đặc biệt là thực hiện kịp thời các biện pháp san tải, cân, đảo pha, hoán đổi máy biến áp để tăng cường khả năng cấp điện… “Có thể nói năm nay, đến giờ phút này, Điện lực Tây Hồ có thể thở phào nhẹ nhõm vì đã trải qua một đợt cao điểm nắng nóng căng người ra phục vụ khách hàng mà không xảy ra sự cố gì, cũng như đạt được sự đồng thuận lớn với khách hàng dùng điện” - ông Hoàng chia sẻ.
Có được điều này, ngoài những biện pháp về kỹ thuật thông thường như san tải, cân, đảo pha, hoán đổi máy biến áp để tăng cường khả năng cấp điện… còn là vì những nỗ lực của đơn vị từ nhiều năm trước trong việc thực hiện công tác đầu tư xây dựng, cũng như công tác sửa chữa lớn để tránh tình trạng quá tải mùa nắng nóng. Những khó khăn đến rất nhiều từ thực trạng đường dây, máy móc thiết bị cũ,... Công ty Điện lực Tây Hồ đã từng bước nỗ lực khắc phục tình trạng này bằng những đầu tư xây dựng hiện đại hóa công nghệ. Nhờ vậy, càng ngày, những khó khăn càng vợi dần đi. Năm nay, EVN Hà Nội đã áp dụng những điểm mới cho công tác chăm sóc khách hàng và điều này đã tác động rất lớn tới các công ty trong hệ thống EVN Hà Nội. “Dịch vụ mà tôi thấy hiệu quả hơn cả là triển khai các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin để cung cấp thông tin cho khách hàng về các dịch vụ của ngành Điện, như: tin nhắn truy vấn MO ứng dụng trên thiết bị di động để khách hàng có thể tra cứu hóa đơn tiền điện, tra cứu lịch cắt điện, lịch ghi chỉ số, giá điện…
Có thể nói, năm nay, với việc ứng dụng công nghệ hiện đại này, ngành Điện đã "đi trước đón đầu" giải đáp mọi thắc mắc của khách hàng. Và thực tế diễn ra tại Tây Hồ đã cho thấy, khách hàng đã hiểu, yêu mến và chia sẻ nhiều hơn với ngành Điện. Đây là lý do chính khiến cho ngành Điện Thủ đô cảm thấy mùa hè năm nay bớt… nóng!” - ông Đặng Thanh Hoàng khẳng định.
Những diễn biến tích cực tương tự cũng xảy ra với các công ty Điện lực trong toàn hệ thống EVN Hà Nội. Nhìn trên tổng thể, mùa cao điểm nắng nóng năm nay, Hà Nội không xảy ra sự cố đáng tiếc nào về kỹ thuật, cũng như trong công tác chăm sóc khách hàng. Cùng khách hàng đồng hành - đây cũng chính là một mục tiêu mà ngành Điện nói chung và EVN Hà Nội trong suốt những năm qua không ngừng vươn tới. Đáp lại nỗ lực phục vụ khách hàng của ngành Điện Thủ đô là tình cảm yêu mến, trân trọng và hợp tác của nhân dân đối với những người thợ áo cam thông qua cách hào hứng tiếp nhận và ứng dụng những công nghệ hiện đại trong chăm sóc khách hàng mà EVN Hà Nội đã triển khai trong thời gian qua. Từ chỗ làm quen với thanh toán tiền điện online, ghi chỉ số công tơ điện bằng máy tính bảng kết hợp với camera, ghi chỉ số tự động từ xa… và đến nay, khách hàng hoàn toàn có thể truy cập mọi thông tin về dịch vụ cả ngành Điện như tra cứu hóa đơn tiền điện, tra cứu lịch cắt điện, lịch ghi chỉ số… Khách hàng dùng điện Thủ đô cũng đã cùng với ngành Điện tiến sâu thêm một bước tham gia vào tiến trình công nghệ số hóa và hiện đại hóa các hình thức thanh toán.
Nét thanh lịch và tâm tư hiểu biết, chia sẻ của người Hà Nội với ngành Điện Thủ đô đã được thêm phần tô đậm!