Việc tiếp nhận LĐHA gặp rất nhiều khó khăn, do lưới điện cũ nát, mất an toàn; lưới điện quá tải đã từ lâu không được quan tâm đầu tư cải tạo; bán kính cấp điện xa, nhiều trạm biến áp còn các nhánh rẽ dài, tiết diện dây dẫn nhỏ, chắp vá; hệ thống đo đếm điện năng không đảm bảo tiêu chuẩn đo lường, thường xuyên xảy ra quá tải, gây sự cố dẫn đến tổn thất cao, không đảm bảo chất lượng điện áp cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như sinh hoạt của người dân trên địa bàn. Sau khi tiếp nhận, EVN HANOI đã đầu tư rất nhiều nguồn lực để cải tạo, nâng cấp lưới điện, nhưng khi chất lượng điện ổn định, thì nhu cầu đầu tư mua sắm nhiều thiết bị điện của khách hàng tại khu vực này tăng rất nhanh từ 20% đến 30%/năm. Do đó, EVN HANOI lại phải tiếp tục đầu tư nâng cấp cải tạo lưới điện để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Mặt khác, trong quá trình triển khai các dự án mới, hầu hết đều bị vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng để có vị trí đặt TBA, vị trí trồng cột điện. Cá biệt, tại một số nơi, một số hộ dân không hợp tác, cản trở thi công; không chấp nhận giá đền bù làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ đầu tư.
Để khắc phục tình trạng trên, ngay sau khi tiếp nhận, EVN HANOI đã huy động mọi nguồn lực và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện: Cải tạo và thay thế 364,8 km đường dây trung thế, xây dựng mới và cải tạo 894 TBA để chống quá tải phần nguồn; xây mới và cải tạo 306,8 km đường trục hạ áp, thay mới được 568.586 công tơ để đảm bảo an toàn cấp điện, đảm bảo chất lượng điện năng, giảm bán kính cấp điện, thường xuyên theo dõi và xử lý kịp thời các điểm mất an toàn trên lưới. Tổng vốn đầu tư cho các xã sau tiếp nhận từ năm 2008 đến nay khoảng 1.465,9 tỷ đồng.
Bằng các giải pháp trên, EVN HANOI đã kịp thời đáp ứng cơ bản nhu cầu về sử dụng điện của các hộ dân và phát triển kinh tế xã hội tại khu vực. Lưới điện sau khi cải tạo đã vận hành ổn định, an toàn, chất lượng điện năng được đảm bảo hơn rất nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, do việc hợp nhất TP. Hà Nội và tỉnh Hà Tây nên địa giới hành chính, đặc biệt là khu vực nông thôn Hà Nội rộng lớn, dân cư phân bố không tập trung, nên bán kính cấp điện còn xa, một số ít phụ tải ở cuối nguồn có công suất lớn chất lượng điện áp chưa đảm bảo. Một số địa phương chưa hoàn thành công tác bàn giao nên hiện tại, lưới điện hạ áp vẫn do các tổ chức quản lý điện nông thôn chịu trách nhiệm kinh doanh bán điện đến các hộ dân. Bên cạnh đó, EVN HANOI cũng đã chủ động tìm kiếm nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức tín dụng thương mại quốc tế (WB, KFW), vay tín dụng thương mại trong nước (Quỹ đầu tư phát triển Thành phố…) để triển khai các dự án “Phân phối hiệu quả lưới điện TP Hà Nội (vốn WB)”, giai đoạn 1 gồm cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới lưới điện nông thôn các huyện: Từ Liêm, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Hoàng Mai, Long Biên, quận Hà Đông và thị xã Sơn Tây. Tổng mức đầu tư dự kiến: 668 tỷ đồng, tương đương 32,1 triệu USD. Trong đó vốn vay WB là 25,69 triệu USD. Giai đoạn 2 gồm cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới lưới điện nông thôn các huyện: Mê Linh, Thạch Thất, Ba Vì, Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thanh Oai, Chương Mỹ, Thường Tín, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Ứng Hòa. Tổng mức đầu tư khoảng 531 tỷ đồng, tương đương 25,5 triệu USD. Trong đó vốn vay WB là 20,4 triệu USD. Đối với “Dự án phát triển lưới điện vốn vay KFW”, Hà Nội sẽ tập trung cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới lưới điện nông thôn các huyện Mê Linh, Thạch Thất, Ba Vì, Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Quốc Oai, Hà Đông, Sơn Tây, Thanh Oai, Chương Mỹ, Thường Tín, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Ứng Hoà. Tổng mức đầu tư dự kiến: 674 tỷ đồng.
Đối với “Dự án đầu tư lưới điện trung áp phù hợp với lưới điện hạ thế tại các xã tham gia dự án RE2”, Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội đã hoàn thiện Báo cáo đầu tư dự án và xây dựng phương án vay vốn đầu tư lưới điện trung áp đồng bộ với lưới điện hạ áp được xây dựng từ dự án RE2 như sau: Xây dựng mới 175 TBA với tổng công suất 59.170 kVA và 59,13 km đường dây trung áp. Nâng công suất 52 TBA với tổng công suất tăng thêm 8.190 kVA với tổng mức đầu tư: 329,078 tỷ đồng. Tổng công ty đã gửi hồ sơ vay vốn sang Quỹ đầu tư và các Sở, ban, ngành liên quan của thành phố để thẩm định.
Với số lượng các TBA, đường dây trung thế, đường dây hạ thế đã được đầu tư xây mới và cải tạo sau khi tiếp nhận như trên, về cơ bản hiện tại nhiều xã ở khu vực ngoại thành Hà Nội đã đảm bảo an toàn trong cấp điện, đảm bảo chất lượng điện áp, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của khách hàng tại địa phương. Tại một số khu vực chưa đảm bảo chất lượng điện áp tốt, EVN HANOI khẳng định, sau khi triển khai thực hiện xong các dự án cải tạo lưới điện trên sẽ đảm bảo được việc cấp điện an toàn ổn định, đảm bảo chất lượng điện áp cho các hộ dân khu vực nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thành phố nói chung, của bà con khu vực ngoại thành nói riêng.