Ngày 02 tháng 7 năm 2020, Công ty CP FECON và Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Dương – chủ đầu tư dự án Nhà máy điện gió Thái Hòa, tỉnh Bình Thuận đã ký kết Hợp đồng gói thầu II.B01 về việc thi công hạ tầng và các công trình xây dựng của dự án với trị giá gần 260 tỷ đồng.
Với năng lực xuất sắc về nền, móng và công trình ngầm, cùng với quyết tâm trở thành nhà thầu hàng đầu tại Việt Nam về xây dựng công nghiệp và xây dựng hạ tầng, FECON được Tập đoàn Thái Bình Dương (Pacific) giao toàn bộ công việc của Gói thầu số II.B01 dự án Nhà máy điện gió Thái Hòa do Pacific đầu tư với công suất 90MW.
Theo đó gói thầu số II.B01 được thực hiện trong thời gian 300 ngày bao gồm các hạng mục: thiết kế bản vẽ thi công, thi công xây dựng móng trụ tuabin gió, thi công xây dựng toàn bộ hệ thống đường giao thông và các hạng mục xây dựng phụ trợ khác của dự án. Đây là một gói thầu thi công quan trọng của dự án Nhà máy điện gió Thái Hòa đặt tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận nằm cách bờ biển khoảng 3km.
Phát biểu tại lễ ký kết hợp đồng, đại diện Pacific tin tưởng mạnh mẽ vào năng lực và kinh nghiệm của FECON và đánh giá cao sự chuyên nghiệp của phía FECON trong thời gian chuẩn bị biện pháp và kế hoạch triển khai, tiến tới lễ ký kết hợp đồng.
Đại diện FECON cho biết dự án Nhà máy điện gió Thái Hòa là một mốc quan trọng trong hợp tác giữa FECON với Pacific - một nhà tổng thầu, một nhà đầu tư lớn tại Việt Nam về các dự án năng lượng, logistic và bất động sản. FECON có thể học hỏi được nhiều từ năng lực và kinh nghiệm quản lý các dự án lớn của Pacific thông qua cơ hội hợp tác tại dự án này.
Triển khai chiến lược mới 2020 – 2025 với mục tiêu trở thành nhà thầu xây dựng công nghiệp và hạ tầng hàng đầu Việt Nam và nhà đầu tư uy tín, Công ty CP FECON (mã: FCN) hướng một trong các mũi ưu tiên là các công trình điện gió trên bờ, điện mặt trời tại miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam. Đây được coi là bước đà quan trọng của FECON để chinh phục các dự án điện gió gần bờ và xa bờ trong thời gian tới.
Song song với mảng thi công, FECON tham gia đầu tư một dự án điện gió công suất 120 MW tại tỉnh Sóc Trăng, đồng thời công ty tiếp tục nghiên cứu đầu tư 2 dự án điện mặt trời và 2 dự án điện gió với tổng công suất 5 dự án sau khi hoàn thành khoảng 700MW.
Công ty cũng đang có những bước đi quan trọng cùng với các Nhà đầu tư và các Tổng thầu nước ngoài chuẩn bị tham gia đầu tư và thi công các dự án điện than và điện khí hóa lỏng LNG tại Việt Nam sẽ khởi công vào cuối năm 2020 và nửa đầu năm 2021.
Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán Dầu khí (PSI), việc ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, gió, sinh học, thủy triều… là nhu cầu cấp bách hiện nay. Trong đó, phong điện hay điện gió là nguồn năng lượng dồi dào và vô tận trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là nguồn năng lượng xanh và có mức độ ảnh hưởng đến môi trường thấp nhất so với các nguồn năng lượng khác.
Với những chính sách hỗ trợ của nhà nước đang áp dụng trong giai đoạn hiện nay như giãn cách thời gian hưởng cơ chế giá mua điện cố định tới hết tháng 12/2023, bổ sung quy hoạch các dự án điện gió, kịch bản cơ sở và kịch bản cao đến năm 2020 là điện gió Việt Nam đạt tổng công suất trên 1.000 MW.
Đến năm 2025 kịch bản cơ sở là 6.000 MW và kịch bản cao là 11.630 MW nhằm thay thế cho sản lượng điện từ nguồn nhiệt điện than và nhiệt điện dầu có chi phí sản xuất rất cao và góp phần giảm phát thải khí CO2… ngành năng lượng tái tạo, năng lượng xanh sẽ là hướng kinh doanh mũi nhọn được lựa chọn đầu tư.
Theo đó, các Doanh nghiệp phát triển năng lượng tái tạo như PV Power, Tập đoàn Trung Nam, Tập đoàn BIM, Tập đoàn Xuân Cầu, Công ty Pacific, Công ty FECON, Tập đoàn Thành Công Group, BCG Bamboo Capital, Tập đoàn Trường Thành hay Tập đoàn Hà Đô… là những Doanh nghiệp có nhiều tiềm năng phát triển mạnh trong tương lai.