Giá chào sàn cao hơn đáng kể so với các cổ phiếu cùng ngành
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã có thông báo chính thức chấp thuận cho phép niêm yết giao dịch gần 115 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Tôn Đông Á trên sàn UPCoM với mã cổ phiếu GDA.
Lượng cổ phiếu Tôn Đông Á này sẽ có phiên giao dịch đầu tiên vào Thứ Năm ngày 7/9/2023 tới đây với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 30.000 đồng/cổ phiếu. Với mức định giá này, vốn hóa ngày chào sàn của Tôn Đông Á đạt 3.440 tỷ đồng.
Kể từ khi được thành lập vào năm 1998, Tôn Đông Á đã trải qua 13 lần tăng vốn điều lệ, hiện doanh nghiệp tôn mạ này có vốn điều lệ ở mức gần 1.147 tỷ đồng. Hiện trên thị trường chứng khoán Việt Nam có 26 cổ phiếu ngành thép được niêm yết và giao dịch trên 3 sàn (UPCoM, HNX, và HoSE). Tuy nhiên, chi có 4 doanh nghiệp sản xuất tôn lớn có thanh khoản cổ phiếu cao là: Tập đoàn Hoà Phát (mã cổ phiếu HPG – sàn HoSE), Tập đoàn Hoa Sen (mã cổ phiếu HSG – sàn HoSE), và Thép Nam Kim (mã cổ phiếu NKG - sàn HoSE).
Kết thúc ngày 31/8 - ngày giao dịch cuối cùng trước đợt nghỉ lễ 2/9 năm nay, cổ phiếu HPG đạt 27.600 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu HSG và cổ phiếu NKG lần lượt có giá là 20.000 đồng/cổ phiếu và 19.300 đồng/cổ phiếu. Như vậy, giá chào sàn của cổ phiếu Tôn Đông Á đang cao hơn đáng kể so với thị giá hiện tại của các doanh nghiệp cùng ngành.
Tôn Đông Á – doanh nghiệp tôn mạ lớn thứ hai Việt Nam
Tôn Đông Á hiện có tổng công suất sản phẩm tôn đạt 800.000 tấn/năm – cao thứ ba toàn ngành tôn mạ Việt Nam. Đáng chú ý, nếu xét về sản lượng tiêu thụ thực tế, doanh nghiệp này đang đứng thứ hai tại thị trường nội địa với thị phần khoảng 14%, so với mức 13% của năm 2021. Đồng thời, thị phần xuất khẩu của Tôn Đông Á trong năm 2022 đã tăng lên mức 20,4%, so với mức 14,1% của năm 2021.
Xét về hoạt động kinh doanh, trong năm nay, Tôn Đông Á đặt kế hoạch tổng doanh thu 17.000 tỷ đồng, giảm gần 22% so với mức thực hiện của năm 2022 nhưng lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 200 tỷ đồng, so với mức lỗ 276 tỷ đồng của năm ngoái.
Theo đánh giá mới nhất của SSI Research, các doanh nghiệp tôn mạ tại Việt Nam có thể đối mặt với tình trạng suy giảm biên lợi nhuận trong quý 3/2023 khi chênh lệch giữa giá thép cuộn cán nóng (HRC) tại thị trường Hoa Kỳ, châu Âu và châu Á ngày càng thu hẹp, tác động tiêu cực đến kênh xuất khẩu.
Cụ thể, giá xuất khẩu bình quân trong quý 3/2023 có thể thấp hơn so với quý trước do giá HRC ở hầu hết các thị trường đã điều chỉnh khoảng 20% kể từ mức đỉnh vào tháng 3/2023.
Ngoài ra, SSI Research lưu ý, xuất khẩu thép của Việt Nam cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các nhà sản xuất thép Trung Quốc. Xuất khẩu thép của Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm nay đã tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 51,2 triệu tấn, nhờ lượng thép tồn kho tại nước này tăng và đồng Nhân dân tệ suy yếu.