Gặp gỡ nhóm kỹ sư đam mê sáng tạo của Vietsovpetro

Trưởng ban Dung dịch Hoàng Hồng Lĩnh cùng các cộng sự tại Xí nghiệp Khoan và Sửa giếng thuộc Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro) là nhóm tác giả đạt giải Nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 14 (2016-2017)

May mắn, chúng tôi đến đúng vào hôm Ban Dung dịch đang tổ chức buổi nói chuyện nâng cao trình độ chuyên môn cho các kỹ sư và thợ dung dịch, nên được gặp gỡ, lắng nghe nhiều câu chuyện thực tế thú vị của “dân” dung dịch khoan.

TS Hoàng Hồng Lĩnh (thứ 3 từ trái sang) - Chủ nhiệm đề tài đạt giải Sách vàng sáng tạo Việt Nam 2018 cùng các cộng sự Xí nghiệp Khoan và Sửa giếng
TS Hoàng Hồng Lĩnh (thứ 3 từ trái sang) - Chủ nhiệm đề tài đạt giải Sách vàng sáng tạo Việt Nam 2018 cùng các cộng sự Xí nghiệp Khoan và Sửa giếng

 

Chia sẻ về đề tài đạt giải, anh Lĩnh cho biết, trước đây khi thi công dung dịch với những giếng khoan phức tạp, khoan qua những địa tầng sét hoạt tính cao, giếng khoan có góc nghiêng lớn, giếng cắt thân, Vietsovpetro thường phải thuê dịch vụ dung dịch của các công ty dịch vụ bên ngoài với chi phí hằng năm có khi lên đến 25 triệu USD cho 24 giếng khoan (năm 2014).

Là “cánh chim đầu đàn” trong ngành Dầu khí, Vietsovpetro đã có rất nhiều sáng kiến, sáng chế đem lại lợi ích to lớn, đặc biệt trong tình hình những năm qua giá dầu liên tục giảm, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh, cần áp dụng những sáng kiến - sáng chế, hợp lý hóa sản xuất, để tiết giảm chi phí tối đa.

Là một trong những doanh nghiệp quan trọng của Vietsovpetro, Xí nghiệp Khoan và Sửa giếng nhận thấy cần tăng cường khả năng tự lực thi công dung dịch và tiến tới có thể làm dịch vụ ra bên ngoài. Tuy nhiên, để làm được việc đó đòi hỏi các chuyên gia dung dịch của Vietsovpetro phải nhanh chóng nghiên cứu ra hệ dung dịch mới, tương đương với các hệ dung dịch tiên tiến, nhằm rút ngắn thời gian thi công, ổn định thành giếng khoan, bảo đảm an toàn vỉa sản phẩm và đạt được hiệu quả kinh tế - kỹ thuật cao, đặc biệt là có thể thay thế thuê dịch vụ dung dịch bên ngoài.

Qua việc áp dụng hai hệ dung dịch mới, đội ngũ dung dịch Vietsovpetro nhanh chóng trưởng thành và làm chủ về công nghệ thi công dung dịch, giảm thiểu thuê dịch vụ dung dịch của bên ngoài, đồng thời chủ động lựa chọn được những vật tư, hóa phẩm sẵn có trên thị trường Việt Nam với giá cả cạnh tranh, tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển, tận dụng được nhiều nguồn nhân lực và vật lực của Việt Nam.

Từ những yêu cầu cấp thiết đó, nhóm tác giả do TS Hoàng Hồng Lĩnh, chủ nhiệm đề tài, đã cùng các cộng sự tiến hành nghiên cứu, thí nghiệm, kết hợp sáng tạo có chọn lọc giữa các hệ dung dịch đang sử dụng tại Vietsovpetro và đã thiết lập được hệ dung dịch mới KGAC có chất lượng tương đương với hệ dung dịch tiên tiến Glydril và Gltrol (hệ ức chế tốt thứ hai của Công ty MI SWACO hoặc Công ty DMC WS) mà các nhà thầu quốc tế đang sử dụng. Tuy nhiên, khi thi công những giếng khoan phức tạp hơn, đặc biệt là những giếng khoan có góc nghiêng lớn, địa tầng sét hoạt tính cao, vẫn cần sử dụng hệ dung dịch Ultradril hoặc Protrol (hệ ức chế tốt nhất của Công ty MI SWACO, Công ty DMC WS).

Đứng trước yêu cầu cấp thiết tiết giảm chi phí và không ngừng nâng cao chất lượng dung dịch của Vietsovpetro, từ năm 2016, Ban Dung dịch - Xí nghiệp Khoan và Sửa giếng tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm và áp dụng thành công hệ dung dịch KGAC-Plus từ hệ KGAC được nâng cao chất lượng, tăng khả năng ức chế sét bằng việc kết hợp sử dụng thêm tác nhân ức chế bao bọc với hàm lượng và quy trình pha trộn thích hợp.

TS Hoàng Hồng Lĩnh (thứ 2 từ trái sang) cùng các kỹ sư làm việc tại Phòng Nghiên cứu của Xí nghiệp Khoan và Sửa giếng
TS Hoàng Hồng Lĩnh (thứ 2 từ trái sang) cùng các kỹ sư làm việc tại Phòng Nghiên cứu của Xí nghiệp Khoan và Sửa giếng

 

Quá trình thí nghiệm, thử nghiệm và áp dụng công nghiệp hệ KGAC-Plus cho thấy chất lượng dung dịch đã được nâng lên tương đương với hệ dung dịch Ultradril hoặc Protrol. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, do thiếu một vài hóa phẩm (do một số nhà cung cấp chưa đáp ứng tiến độ giao hàng) nên chưa thể áp dụng đại trà KGAC-Plus cũng như áp dụng thử nghiệm hai hệ dung dịch có chất lượng cao hơn là KGAC-Plus M và KGAC-Plus M1.

Ngoài hai sáng kiến đã được công nhận về nghiên cứu và áp dụng hệ dung dịch KGAC và KGAC-Plus, TS Hoàng Hồng Lĩnh còn tham gia với tư cách là tác giả hay đồng tác giả của rất nhiều sáng kiến khác, nhưng anh vẫn tâm đắc nhất là hai sáng kiến trên.

Các kỹ sư Ban Dung dịch Xí nghiệp Khoan và Sửa giếng đang nghe chuyên gia trình bày tại buổi hội thảo
Các kỹ sư Ban Dung dịch Xí nghiệp Khoan và Sửa giếng đang nghe chuyên gia trình bày tại buổi hội thảo

 

Anh Lĩnh cùng các cộng sự dựa trên cơ sở kết hợp hợp lý những thành phần của hệ dung dịch truyền thống của Vietsovpetro với các thành phần khác trong hệ dung dịch tiên tiến trên thế giới, bảo đảm tính tương hợp giữa những thành phần này, để tạo ra hai hệ dung dịch mới có chất lượng cao, phù hợp với điều kiện thực tế thi công các giếng khoan của Vietsovpetro và nhiều nơi khác trên thế giới. Hiệu quả kinh tế cho năm đầu tiên áp dụng hai hệ dung dịch KGAC và KGAC-Plus tới hàng triệu USD. Qua việc áp dụng hai hệ dung dịch này, đội ngũ dung dịch Vietsovpetro nhanh chóng trưởng thành và làm chủ về công nghệ thi công dung dịch, giảm thiểu thuê dịch vụ dung dịch của bên ngoài, đồng thời chủ động lựa chọn được những vật tư, hóa phẩm sẵn có trên thị trường Việt Nam với giá cả cạnh tranh, tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển, tận dụng được nhiều nguồn nhân lực và vật lực của Việt Nam.

Mặt khác, nhằm giảm tối đa chi phí thi công dung dịch, các kỹ sư Vietsovpetro đã tận dụng triệt để những dung dịch có chất lượng cao trên để tái sử dụng cho các giếng khoan tiếp theo, tại cùng một giàn khoan, hoặc vận chuyển sang giàn khoan khác sử dụng trong những điều kiện phù hợp. Trong quá trình gia công, xử lý dung dịch, các chuyên gia Vietsovpetro luôn tìm cách nâng cao hiệu quả sử dụng các hóa phẩm với quy trình và đơn pha chế phù hợp, tận dụng những vật tư, hóa phẩm tồn một cách hợp lý, nhờ vậy đã tiết kiệm vật tư, hóa phẩm gia công dung dịch hàng triệu USD mỗi năm.

Đề tài đã được đăng trong Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2018. Điểm nổi bật của đề tài là khả năng ứng dụng, giá trị lớn về kinh tế - xã hội và đặc biệt an toàn với môi trường sinh thái biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng, trên thềm lục địa Việt Nam nói chung.

Khả năng ứng dụng đáng ghi nhận đó là có thể sử dụng hai hệ dung dịch KGAC và KGAC-Plus để khoan qua các thành hệ có cấu tạo địa chất phức tạp, sét hoạt tính cao ở Mioxen hạ và Oligoxen tại mỏ Bạch Hổ, mỏ Rồng và nhiều mỏ dầu khí khác trên thềm lục địa Việt Nam và trên thế giới. Hai hệ dung dịch KGAC và KGAC-Plus còn có thể được sử dụng để khoan các giếng khoan có góc nghiêng lớn trên 45 độ, các giếng khoan cắt thân. Có thể áp dụng hai hệ dung dịch này để làm dịch vụ tại các giàn khoan quốc tế.

Với kết quả đó, nhóm tác giả sáng kiến cho biết, về mặt kỹ thuật, hai hệ dung dịch KGAC và KGAC-Plus đã thay thế được các hệ dung dịch của các nhà thầu dung dịch nước ngoài. Sáng kiến đã mang lại hiệu quả cao về kinh tế cho Vietsovpetro khi áp dụng hệ dung dịch KGAC cho 5 giếng khoan của Vietsovpetro, thu được trong năm đầu khi đưa vào áp dụng là 1.462.314,04USD và hiệu quả áp dụng hệ dung dịch KGAC-Plus cho 3 giếng khoan của Vietsovpetro, thu được trong năm đầu khi đưa vào áp dụng là 1.050.586,05USD. Việc thay thế được các hóa phẩm độc quyền của các công ty trên thế giới bằng hóa phẩm được sản xuất tại Việt Nam (như AKK, chất bôi trơn, diệt khuẩn, barite, CaCO3…) đã và đang tiết kiệm được một phần không nhỏ chi phí mua hóa phẩm hằng năm của Vietsovpetro. Cho đến nay, Vietsoveptro đã khoan được hơn 50 giếng bằng hai hệ dung dịch KGAC và KGAC-Plus.

Bộ khoan cụ khi kéo lên sạch, không bị dính bết
Bộ khoan cụ khi kéo lên sạch, không bị dính bết

 

Đề tài “Nghiên cứu kết hợp và áp dụng sáng tạo hai hệ dung dịch ức chế sét mới KGAC và KGAC-Plus có chất lượng tương đương với các hệ dung dịch tiên tiến trên thế giới và bảo đảm an toàn cho môi trường sinh thái” đã được đăng trong Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2018. Điểm nổi bật của đề tài là khả năng ứng dụng, giá trị lớn về kinh tế - xã hội và đặc biệt an toàn với môi trường sinh thái biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng, trên thềm lục địa Việt Nam nói chung.

Bộ khoan cụ khi kéo lên sạch, không bị dính bết
Mùn khoan lên tại sàng rung được ức chế vo viên lại, không bị dính bết

 

Cả hai hệ dung dịch này đã được kiểm tra độ độc hại tại Trung tâm Nghiên cứu phát triển an toàn và môi trường Dầu khí (CPSE) và được kết luận: Hai hệ dung dịch KGAC và KGAC-Plus được phân loại vào nhóm E - nhóm tốt nhất theo hệ thống phân loại độc tính hóa chất OCNS (Offshore Chemicals Notification Scheme, UK), nên giảm thiểu yếu tố độc hại, tác động xấu tới môi trường sinh thái.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có ngành công nghiệp dầu khí mạnh, bên cạnh đó là ngành du lịch cũng hết sức phát triển. Nhóm nghiên cứu đã phải nghiên cứu đề tài làm sao vẫn bảo đảm được hiệu quả kinh tế đồng thời vẫn bảo đảm an toàn cho môi trường sinh thái, không ảnh hướng đến du lịch và con người. Đó là điều hết sức tuyệt vời, mang lại giá trị lớn về kinh tế - xã hội cho cộng đồng.

Anh Lĩnh chia sẻ: “Khi thực hiện đề tài này, chúng tôi đã nghĩ đến những công nhân, kỹ sự trực tiếp làm việc trên giàn khoan, bởi nếu hệ dung dịch không an toàn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của tất cả mọi người và môi trường xung quanh. Xác định an toàn môi trường đặt lên hàng đầu, nên trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi đã mua cá về thả xem cá có chết không, rồi gửi mẫu nghiên cứu lên Trung tâm an toàn môi trường để phân tích. Khi có chứng nhận an toàn cho người sử dụng thì mới triển khai áp dụng”.

Với đề tài trên, nhóm tác giả Hoàng Hồng Lĩnh, Nguyễn Xuân Quang, Nguyễn Thành Trường, Bùi Văn Thơm, Đào Viết Văn, Nghiêm Xuân Việt, Phạm Đình Lơ thuộc Xí nghiệp Khoan và Sửa giếng đạt được giải nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 14, tiếp đó lại được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới tặng giải thưởng quốc tế WIPO.

Thành công đó càng thôi thúc niềm đam mê và yêu thêm nghề dung dịch của nhóm tác giả, nơi mà dung dịch được ví như “dòng máu” của giếng khoan.

Thế hệ đi trước dẫn dắt thế hệ đi sau, tạo động lực cho giới trẻ, như các kỹ sư Nghiêm Xuân Việt, Phạm Đình Lơ, Đào Viết Văn và cho rất nhiều kỹ sư trẻ khác có chung đam mê và nhiệt huyết yêu nghề dung dịch.

Anh Nghiêm Xuân Việt, kỹ sư trẻ nhất nhóm, chia sẻ: “Thế hệ trẻ chúng tôi cần học hỏi thêm rất nhiều điều từ các đàn anh đi trước. Đặc biệt, lực lượng kỹ sư dung dịch như chúng tôi thường xuyên được đào tạo, tuân thủ đúng quy trình và không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và ngoại ngữ, đồng thời tăng tính chủ động sáng tạo trong công việc. Tại Xí nghiệp Khoan và Sửa giếng, cứ một hoặc vài tháng, chúng tôi lại được tổ chức hội thảo chuyên môn, rút kinh nghiệm, đào tạo nội bộ, hoặc có những buổi đào tạo đột xuất do nhu cầu thực tế. Ngoài những chuyên gia dung dịch của Vietsovpetro, Xí nghiệp Khoan và Sửa giếng có mời cả các chuyên gia bên ngoài đến giảng cho anh em, để mọi người hiểu thêm những công nghệ mới liên quan đến thi công dung dịch, nhằm nâng cao trình độ. Đó là điều hết sức thú vị và bổ ích, đặc biệt là đối với kỹ sư dung dịch khoan”.

Chia tay nhóm tác giả khi các anh vẫn bận bịu với công việc của mình, chúng tôi cảm nhận được tình yêu nghề, đam mê và đầy nhiệt huyết với công việc nghiên cứu và xử lý dung dịch. Mong rằng các anh sẽ tiếp tục có nhiều sáng kiến, sáng chế hợp lý hóa sản xuất, giúp Vietsovpetro tiếp tục tìm được nhiều dòng dầu, khí mang lại giá trị lớn cho đất nước.

Đến nay, Vietsoveptro đã khoan được hơn 50 giếng khoan bằng hai hệ dung dịch KGAC và KGAC-Plus, tiết kiệm hàng triệu USD.

Đề tài “Nghiên cứu kết hợp và áp dụng sáng tạo hai hệ dung dịch ức chế sét mới KGAC và KGAC-Plus có chất lượng tương đương với các hệ dung dịch tiên tiến trên thế giới và bảo đảm an toàn cho môi trường sinh thái”.