Gặp gỡ và trao đổi với GS.VS. Bùi Huy Đường

Nhân dịp về nước tham dự Hội nghị quốc tế “Những thành tựu tiên tiến trong cơ học tính toán (International Conference on Advances in Computatinal Mechanics – ACOME - 2012)” do Trường Đại học Tôn Đức T


Giáo sư - Viện sĩ Bùi Huy Đường là người Việt Nam duy nhất được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Pháp từ năm 1995, là một trong những giáo sư hàng đầu thế giới về cơ học chất rắn. GS Đường đã có nhiều năm làm cố vấn cao cấp chiến lược cho Tập đoàn Điện lực của Pháp (EDF), đặc biệt trong lĩnh vực điện hạt nhân. 

Theo kinh nghiệm của GS, những sự cố xảy ra trong các nhà máy điện hạt nhân ở Pháp liên quan rất ít đến vật lý, mà chủ yếu liên quan đến cơ học chất rắn (như sự nứt, gãy các cấu kiện và đường ống), và cơ học chất lỏng và hoá học (như sự bào mòn đường ống). Để làm chủ và đảm bảo an toàn cho nhà máy điện hạt nhân trong các tình huống đó thì phải có các chuyên gia tính toán về cơ học chất rắn và phải có đủ các máy móc thiết bị hiện đại để kiểm tra, đo đạc. 

Đề cập đến chương trình phát triển điện hạt nhân của Việt Nam, GS nhấn mạnh 2 vấn đề: Một là, phải có tính độc lập về mặt kỹ thuật của cơ quan pháp quy, nghĩa là quyết định của họ chỉ dựa vào kỹ thuật chứ không vì lợi ích kinh tế ràng buộc; Hai là, phải tăng cường công tác nghiên cứu phối hợp giữa các cơ quan vận hành, cơ quan pháp quy, cơ quan R-D và các trường đại học. Đặc biệt GS nhấn mạnh đến việc phối hợp nghiên cứu với các trường đại học và phải dựa vào lực lượng khoa học và công nghệ của các trường đại học trong nước. 

Giáo sư nhấn mạnh thêm, ngay cả ở bên Pháp, trong lĩnh vực điện hạt nhân, nhiều vấn đề vẫn còn chưa được giải quyết và luôn cần công tác nghiên cứu phối hợp với các trường đại học. Trong quá trình vận hành nhà máy điện hạt nhân, nhiều hệ thống công nghệ trong nhà máy như việc hàn nối các ống chữ U, độ cong của ống chữ U, … trong các bình sinh hơi của các nhà máy điện hạt nhân ở Pháp được cải tiến rất hiệu quả vào cuối những năm 1970 là nhờ các nghiên cứu, tính toán về độ bền cơ học của các GS ở Trường đại học Bách khoa Paris, trong đó có đóng góp của nhóm các GS người Việt Nam. 

Ở Việt Nam cũng vậy, các chuyên gia về lĩnh vực điện hạt nhân chưa nhiều nhưng nếu biết phối hợp nghiên cứu giữa cơ quan pháp quy, cơ quan R-D và các trường đại học thì dần dần ta sẽ có được đội ngũ chuyên gia đủ về số lượng và giỏi về chất lượng. 

Đại diện Lãnh đạo Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã nêu tầm quan trọng và nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho chương trình điện hạt nhân của Việt Nam trong thời gian tới và mong muốn được GS Bùi Huy Đường giới thiệu những nhà khoa học và công nghệ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử là các Việt kiều ở Pháp và châu Âu tham gia đóng góp và hỗ trợ trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, không chỉ cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sắp xây dựng mà cho cả Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân với lò phản ứng nghiên cứu đa mục tiêu, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng và tiến hành các nghiên cứu về khoa học vật liệu, cơ học vật liệu và cơ học chất rắn trên lò phản ứng nghiên cứu.