Đây là Nhà máy Điện mặt trời thứ 5 của GEC trong danh mục vận hành và là Nhà máy thứ 3 hòa lưới nửa đầu năm 2019 sau Đức Huệ 1 - Long An (49 MWp) và Hàm Phú 2 - Bình Thuận (49 MWp), nâng công suất 5 Nhà máy Điện mặt trời lên 260 MWp, tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng. Mỗi dự án Điện mặt trời hàng năm dự kiến đóng góp sản lượng từ 60 tới 103 triệu kWh với doanh thu ước tính 128 đến 220 tỷ đồng.
Các dự án Điện mặt trời hoạt động của GEC đa phần đều là những dự án đầu tiên đóng điện tại địa bàn có tỷ lệ bức xạ mặt trời tương đối tốt từ 4,6 - 5,3 kWh/m2/ngày với số giờ nắng từ 1.700 - 2.544 giờ/năm. Ước tính, thị phần Điện mặt trời của GEC tại 5 tỉnh đang lần lượt là 100% tại Huế, 80% Gia Lai, 50% Long An, 40% Đăk Nông và 20% Bình Thuận. Theo EVN, đến cuối tháng 5/2019, đã có tới 47 dự án với tổng công suất 2.300 MWp vào vận hành phát điện.
Với kinh nghiệm là đơn vị tiên phong trên thị trường Điện mặt trời, GEC đã thử nghiệm tự thực hiện vai trò tổng thầu đối với dự án Điện mặt trời Trúc Sơn, là nền tảng cho những dự án tiếp theo.
Được biết, Tháng 01/2013, GEC chính thức trở thành thành viên của Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) - một Tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành, GEC được xác định là đơn vị tiên phong, hạt nhân của Tập đoàn trong lĩnh vực Năng lượng.
Ngày 30/6/2016, Tập đoàn TTC cùng với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Quỹ Năng lượng sạch Armstrong (Singapore) đã chính thức ký kết hợp tác chiến lược vào Công ty CP Điện Gia Lai (Là cổ đông của GEC với tỷ lệ 36%). Với tư cách là cổ đông chiến lược, sự hỗ trợ của IFC và Armstrong không những tạo điều kiện cho GEC mở rộng lĩnh vực kinh doanh chủ lực là thuỷ điện, mà còn đưa Công ty trở thành một nhà phát triển năng lượng tái tạo kiểu mẫu tại Việt Nam, thông qua việc áp dụng những chuẩn mực tối ưu trong ngành, đồng thời góp phần mở rộng nguồn cung năng lượng sạch, đáng tin cậy.
Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) cho biết, Việt Nam có điều kiện tự nhiên là nắng, gió phù hợp với ngành năng lương tái tạo. TTC với vai trò tiên phong trong việc đóng điện, vận hành các nhà máy điện mặt trời trong thời gian qua. Cũng theo ông Thành, khi các nhà máy điện mặt trời đi vào hoạt động mới thấy mức bức xạ có thể vượt từ 10 -15%.
Mặt khác, thời tiết nắng nóng kéo dài trong những tháng đầu năm 2019 đã ảnh hưởng không tốt đến tình hình sản xuất của các Nhà máy Thủy điện. Theo dự báo của EVN, các Nhà máy này sẽ không tích đủ nước trong năm 2019, cùng với sản lượng điện khí giảm, khiến khả năng thiếu điện trong mùa khô 2019 là rất cao và kéo dài. Tuy nhiên, các Nhà máy Điện mặt trời sẽ được hưởng lợi lớn vì tại các tỉnh Bình Thuận, Đăk Nông, Gia Lai, Long An mà GEC đang hoạt động chính là những nơi có bức xạ nắng tốt nhất Việt Nam. Các dự án Điện mặt trời mang lại nguồn thu ổn định suốt 20 năm, do đó đây được xem là bước đi phù hợp của Công ty CP Điện Gia Lai trong chiến lược đa dạng hóa các loại hình Năng lượng phù hợp với các điều kiện thời tiết.
Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công cho biết thêm, thời gian tới TTC sẽ tìm những đối tác để đồng hành trong việc triển khai, vận hành dự án năng lượng mặt trời, những dự án này cần nguồn vốn rất lớn.