Giá cà phê hôm nay 7/1: Rượt đuổi về giá, doanh nghiệp xuất khẩu lao đao

Năm 2024 chứng kiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, chế biến cà phê lao đao từ cuộc “rượt đuổi” về giá thu mua, xuất khẩu.

Giá cà phê hôm nay ngày 07/1/2025 tại thị trường trong nước

Tham khảo giá cà phê hôm nay ngày 07/1/2025 tại khu vực Tây Nguyên
Tham khảo giá cà phê hôm nay ngày 07/1/2025 tại khu vực Tây Nguyên

Giá cà phê hôm nay tại khu vực Tây Nguyên tăng nhẹ tại các địa phương so với cuối tuần qua. Mức giá cà phê trung bình hiện ở quanh mốc 120.300 đồng/kg tại khu vực Tây Nguyên. Cụ thể:

Giá cà phê hôm nay tại Đắk Lắk tăng 200 đồng/kg, đạt 120.500 đồng/kg.

Giá cà phê hôm nay tại Lâm Đồng cũng tăng 200 đồng/kg, đạt 120.000 đồng/kg.

Tương tự, giá cà phê hôm nay tại Gia Lai ghi nhận tăng 100 đồng/kg, đạt 120.300 đồng/kg.

Giá cà phê hôm nay tại Đắk Nông đi ngang, đạt 120.500 đồng/kg.

Lưu ý: Các mức giá trên chỉ mang tính chất tham khảo, mức giá thực tế sẽ có sự chênh lệch theo từng địa phương, phương thức vận chuyển, phương thức thanh toán, khối lượng giao dịch… Quý độc giả vui lòng liên hệ đến các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh cà phê gần nhất để được tư vấn cụ thể.

Theo dõi giá cà phê được cập nhật hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Giá cà phê hôm nay ngày 07/1/2025 tại thị trường thế giới

Theo dữ liệu mới nhất, giá cà phê thế giới đồng loạt tăng trên 2 sàn giao dịch. Cụ thể:

Trên sàn ICE Futures Europe, giá cà phê Robusta giao tháng 3/2025 tăng 28 USD/tấn, ở mức 4.996 USD/tấn, giao tháng 5/2025 tăng 14 USD/tấn, ở mức 4.911 USD/tấn.

Tương tự, trên sàn ICE Futures US, giá cà phê Arabica giao tháng 3/2025 tăng 6,15 cent/lb, ở mức 324,80 cent/lb, giao tháng 5/2025 giảm 5,55 cent/lb, ở mức 320,45 cent/lb.

Với mức giá hiện tại, cà phê đang neo ở ngưỡng cao nên việc tham gia đầu cơ trở nên rủi ro. Mặc dù xu hướng tăng giá của cà phê đã được dự báo nhưng không có nhiều nhà đầu cơ dám mạnh tay mua hàng cất kho.

Dù thắng lớn về kim ngạch và người trồng cà phê thu lợi cao nhưng năm 2024 cũng là năm chứng kiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, chế biến cà phê lao đao từ cuộc “rượt đuổi” về giá thu mua, xuất khẩu.

Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty Simexco Đắk Lắk chia sẻ, những tháng đầu năm 2024, trong khi nông dân trồng cà phê phấn khởi vì giá lên cao thì các doanh nghiệp xuất khẩu lao đao.

Việc giá cà phê tăng “chóng mặt” khiến một số đơn vị thu gom hủy hợp đồng, không giao hàng, làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp xuất khẩu không được giao hàng với các đơn đã ký giá thấp, buộc phải mua bù giá cao hơn để giao cho đối tác.

Nhưng khi giá cà phê tiếp tục tăng thì doanh nghiệp xuất khẩu lại tiếp tục bị đối tác hủy hợp đồng dẫn đến lỗ chồng lỗ.

Chưa hết, trước áp lực duy trì nhà máy rang xay, chế biến, nhiều khách hàng truyền thống của Việt Nam cũng phải chuyển hướng tìm kiếm nguồn cung thay thế như Brazil và Ấn Độ.

Đại diện Nestle Việt Nam cho biết, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng cà phê nguyên liệu trong hai năm trở lại đây khiến việc thu mua cà phê trong nước ngày càng khó khăn và rủi ro.

Dù luôn ưu tiên thu mua, tiêu thụ cà phê Việt Nam nhưng doanh nghiệp cũng phải xem xét việc nhập khẩu cà phê từ các quốc gia khác để đảm bảo hoạt động sản xuất của các nhà máy chế biến được xuyên suốt.

Ngọc Châm