Giá các loại hàng hóa tăng lên mức cao nhất trong vòng 14 tuần qua

Giá nông sản và kim loại tăng đã đẩy chỉ số S&P GSCI lên mức cao nhất trong vòng 14 tuần qua. Điều kiện thời tiết kém thuận lợi đối với các cây trồng như ngô và đậu tương đã đẩy giá nông sản tăng cao;
Chỉ số Standard & Poor's GSCI, đo lường giá 24 mặt hàng thô, vào lúc 3h43 (giờ New York – 2h43 sáng ngày 17/7 giờ Việt Nam), đã tăng 0,2% chốt phiên đạt 645,99 điểm. Trước đó, đã có lúc chỉ số này tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 3/4 năm nay, đạt 648,91 điểm.

Theo đó, giá đậu tương và ngô đã tăng hơn 1,4%; giá cacao tăng 3,1% và giá đồng tăng thêm 1,3%. Tính từ đầu tháng đến nay, chỉ số GSCI đã tăng được 5,7%, gần lấy lại mức giảm điểm trong năm nay.

Thời tiết nắng nóng tại khu vực Trung Tây nước Mỹ đã làm giảm triển vọng sản lượng ngô và đậu tương của Mỹ trong niên vụ này lên mức cao kỷ lục như dự báo trước đây. Trong ngày hôm qua 16/6, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã cho biết, tính đến ngày 14/7 chỉ có 66% diện tích gieo trồng ngô tại Mỹ có điều kiện thời tiết tốt hoặc rất tốt, giảm so với mức 68% được đưa ra trong đầu tuần trước.

Tính từ đầu năm đến nay, giá đồng và niken đã giảm hơn 13% do tăng trưởng kinh tế toàn cầu tăng chậm, tuy nhiên việc gia tăng sản lượng của các nhà sản xuất tại Mỹ và kỳ vọng Trung Quốc sẽ tiến hành các chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế đã giúp giá kim loại phục hồi trở lại.

Theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, sản lượng hàng hóa của các nhà máy và mỏ khai khoáng và năng lượng tại Mỹ trong tháng 6 đã có mức tăng mạnh nhất trong 4 tháng qua, tăng 0,3% - . Tờ The 21st Century Business Herald (Trung Quốc) cho biết, trong ngày mai, Quốc hội Trung Quốc có thể sẽ đưa ra kế hoạch cho nền kinh tế nước này cho nửa cuối năm nay. Trung Quốc hiện là nước sử dụng kim loại công nghiệp lớn nhất thế giới, tiếp theo là Mỹ.

Bên cạnh đó, sau khi tăng lên mức cao nhất trong 3 năm vào ngày 8/7 thì đồng USD đang giảm xuống, làm gia tăng tính hấp dẫn của các hàng hóa định giá bằng USD.

Giá các mặt hàng cũng chịu tác động từ tuyên bố của ông Ben S.Bernanke – chủ tịch FED trong tuần trước về việc tiếp tục chương trình kích thích kinh tế “trong tương lai gần”, điều này đã củng cố khả năng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục được giữ ở mức thấp và khiến giá hàng hóa tăng lên. Chính sách lãi suất cho vay thấp đã tạo động lực thúc đẩy nhu cầu sử dụng các mặt hàng thô gia tăng trong hơn 5 năm qua.