Giá dầu quay đầu giảm xuống mức 83 USD/thùng trong phiên 8/10 nhờ kỳ vọng Iran vẫn có thể tiếp tục xuất khẩu dầu mỏ sau khi Mỹ chính thức áp biện pháp trừng phạt, giảm bớt căng thẳng về nguồn cung.
2 công ty của Ấn Độ, khách hàng mua dầu lớn thứ 2 của Iran, vẫn tiếp tục đặt mua dầu mỏ của Tehran trong tháng 11, Bộ trưởng Năng lượng Ấn Độ cho biết trong ngày 8/10.
Theo kế hoạch, lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào hoạt động xuất khẩu dầu khí của Iran sẽ có hiệu lực từ ngày 4/11 tới vàWashingtonđang gây sức ép đối với các chính phủ và doanh nghiệp trên toàn cầu nhằm giảm lượng dầu xuất khẩu của Iran xuống 0.
Tuy nhiên, hôm 5/10 vừa qua, một quan chức Chính phủ Mỹ cho biếtWashingtoncó thể cân nhắc miễn trừ các biện pháp trừng phạt một số quốc gia đã nỗ lực giảm lượng dầu nhập khẩu từIran. Trong khi đó, hãng tin Reuters cho biết Ấn Độ sẽ mua 9 triệu thùng dầu từ Iran vào tháng tới.
Cụ thể, trong phiên này, giá dầu Brent giảm 1,07 USD xuống 83,09 USD/thùng. Giá mặt hàng dầu này chạm mức cao nhất trong 4 năm lên mức 86,74 USD/thùng trong tuần trước. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng mất 93 xu Mỹ, xuống 73,41 USD/thùng.
Bên cạnh đó, thị trường “vàng đen” còn bị ảnh hưởng do mối lo ngại ngày càng tăng rằng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Sau Tuần lễ nghỉ Quốc khánh, thị trường chứng khoán Trung Quốc chìm trong sắc đỏ khi bắt đầu giao dịch trở lại trong ngày 8/10. Chỉ số blue-chip CSI 300 của Trung Quốc hạ hơn 3,5%, còn chỉ số Shanghai Composite Index giảm 2,9%.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm điểm mạnh sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc quyết định hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần thứ 4 trong năm 2018, khi các nhà hoạch định chính sách tìm cách ổn định tăng trưởng kinh tế.
Giá dầu cũng chịu áp lực đi xuống trong phiên 8/10 khi các nhà đầu tư tập trung vào việc tăng sản lượng từ các nhà sản xuất khác thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ, đặc biệt là nhà xuất khẩu dầu hàng đầu Ả Rập Saudi, để bù đắp lượng dầu thiếu hụt tại Iran.
Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Arabia Khalid al-Falih ngày 4/10 cho biết nước này, hiện đang bơm khoảng 10,7 triệu thùng/ngày, có thể tăng sản lượng thêm 1,3 triệu thùng/ngày.
Stephen Innes, người đứng đầu bộ phận giao dịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương của trung tâm môi giới kỳ hạn OANDA tại Singapore, cho biết Ả Rập Saudi có thể đã thay thế nguồn cung dầu mỏ sụt giảm của Iran.
Tuy nhiên, chuyên gia Innes cảnh báo rằng mặc dù nguồn cung toàn cầu có thể bị gián đoạn, nhưng các nhà khai thác dầu tại Mỹ sẽ "nhanh chóng cắt giảm hoạt động sản xuất khi nhu cầu tại châu Á suy yếu".
Theo báo cáo mới nhất, số lượng giàn khoan dầu của Mỹ đã giảm trong tuần thứ 3 liên tiếp. Đây là chuỗi giảm tính theo tuần dài nhất kể từ tháng 10/2017.
Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu của Mỹ đã giảm 2 giàn xuống 861 giàn trong tuần kết thúc vào ngày 5/10 xuống còn 861 giàn khoan.