Tuy nhiên, thị trường năng lượng vẫn chịu sức ép từ những lo ngại về khả năng kinh tế toàn cầu giảm tốc, qua đó tác động tiêu cực tới nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ.
Kết thúc phiên này tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 0,55 USD (hay 1,18%) lên 47,09 USD/thùng. Trong khi tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tiến 1,04 USD (1,89%) lên 55,95 USD/thùng.
Biên độ giao dịch của giá dầu trong phiên này khá rộng, với giá dầu Brent dao động trong biên độ 53,93-56,30 USD/thùng, còn dầu WTI dao động trong khoảng từ 45,35 USD/thùng đến 47,49 USD/thùng.
Yếu tố hỗ trợ đà tăng của giá dầu trong phiên này là những thông tin cho thấy các thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tiến hành cắt giảm nguồn cung theo thoả thuận đã đạt được trong năm 2018.
Theo một khảo sát của hãng tin Reuters, nguồn cung dầu của OPEC trong tháng 12/2018 đã giảm mạnh nhất trong gần hai năm, với sự khởi động cắt giảm sản lượng sớm của nhà xuất khẩu dầu hàng đầu của tổ chức này là Saudi Arabia. Trong khi đó, sản lượng dầu của Iran và Libya cũng sụt giảm ngoài chủ đích.
Tuy nhiên, đà tăng giá của dầu thô trong phiên này cũng bị hạn chế phần nào bởi những lo ngại về triển vọng ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu.
Đáng chú ý, "người khổng lồ" về công nghệ Apple Inc của Mỹ ngày 2/1 vừa hạ dự báo daonh thu quý 4/2018 do cho rằng doanh số bán tại Trung Quốc chậm lại, khiến thị trường chứng khoán Mỹ đỏ sàn và tác động tới giá dầu.
Thêm vào đó, số liệu mới nhất về hoạt động chế tạo kém lạc quan của Mỹ cũng làm thị trường thêm lo ngại về "sức khoẻ" của nền kinh tế.
Ngoài ra, sự gia tăng nguồn cung dầu từ các nhà sản xuất hàng đầu thế giới, như Mỹ và Nga, cũng tạo áp lực lên thị trường dầu mỏ.
Dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước (kết thúc ngày 28/12) đã giảm 4,5 triệu thùng xuống 443,7 triệu thùng, so với mức dự báo giảm 3,1 triệu thùng của giới phân tích./.
Giá dầu tăng hơn 1% trong bối cảnh Saudi Arabia giảm sản lượng dầu
TCCT
Trong phiên giao dịch nhiều biến động ngày 3/1, giá dầu thô thế giới tăng hơn 1% trước những dấu hiệu cho thấy Saudi Arabia đang triển khai việc cắt giảm sản lượng dầu thô