Chốt phiên giao dịch ngày 10/9 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giao tháng 10/2021 tăng mạnh 2,06% lên 72,92 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 09/2021 cũng tăng 2,32% lên 69,72 USD/thùng.
Giá dầu thô cũng như giá nhiều loại hàng hoá, nguyên liệu thô khác đã tăng lên sau các thông tin tích cực liên quan đến cuộc điện đàm giữa Tổng thống Hoa Kỳ ông Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc ông Tập Cân Bình. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết cuộc điện đàm kéo dài khoảng 1,5 tiếng, diễn ra với tinh thần tôn trọng, thẳng thắn, không giảng giải hay trịch thượng nhằm mục đích giữ các kênh liên lạc giữa hai bên luôn rộng mở.
Đây là cuộc điện đàm thứ hai giữa ông Joe Biden và ông Tập Cận Bình kể từ khi ông Joe Biden lên nắm quyền. Giới đầu tư kỳ vọng cuộc điện đàm này sẽ giúp cải thiện mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sau nhiều bất đồng sâu sắc; đồng thời, góp phần thúc đẩy tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu.
Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu thô Brent đã tăng gần 41% nhờ nhu cầu sử dụng nhiên liệu trên toàn cầu phục hồi trở lại sau khi việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 được triển khai tại nhiều quốc gia. Đồng thời, nguồn cung dầu thô trên toàn cầu tiếp tục được kiềm giữ ở mức thấp khi liên minh OPEC+ chỉ nâng dần sản lượng khai thác. Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út đứng đầu và các nước khai thác dầu thô đồng minh do Nga lãnh đạo, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Liên minh OPEC+ hiện dự báo thị trường dầu thô trên toàn cầu sẽ bị thiếu hụt nguồn cung khoảng 0,9 triệu thùng/ngày trong những tháng cuối năm nay trước khi chuyển sang tình trạng dư cung trong năm 2022.
Dữ liệu của hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes (Hoa Kỳ) cho thấy số lượng giàn khoan dầu thô được đưa vào hoạt động tại Hoa Kỳ liên tục tăng trong thời gian gần đây, chỉ báo cho thấy sản lượng khai thác dầu thô của nước này sẽ tăng lên trong những tuần tới đây.
Trong phiên giao dịch ngày 9/9, giá dầu thô Brent và dầu thô WTI đã giảm hơn 1% sau khi Trung Quốc cho biết có thể xả bán một lượng lớn dầu thô từ kho dự trữ quốc gia thông qua các phiên đấu giá công khai nhằm giúp giảm chi phí nguyên liệu cho các nhà máy lọc hoá dầu tại nước này.
Trong tuần tới, giới đầu tư sẽ tập trung theo dõi đánh giá triển vọng cung – cầu dầu thô trong năm 2022 của OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Hãng tin Reuters dẫn lời một số nguồn tin cho biết OPEC có thể sẽ giảm dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô trong năm 2022.