Vào lúc 8h57 sáng nay (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 1/2020 đã tăng 74 cents tương đương 1,2% lên mức 61,23 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 1/2020 cũng tăng 86 cents tương ứng 1,6% lên 56,03 USD/thùng. Trong đầu phiên giao dịch, đã có lúc giá dầu thô WTI tăng thêm 1 USD.
Trong phiên giao dịch cuối tuần trước (29/11), giá dầu thô WTI và dầu thô Brent đều giảm mạnh với mức giảm lần lượt là 5,1% và 4,4%. Nguyên nhân chủ yếu do thị trường lo ngại tiến trình thỏa thuận thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể bị gián đoạn sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thông qua đạo luật Dân chủ và nhân quyền Hong Kong, mở đường cho việc Hoa Kỳ có thể trừng phạt các quan chức Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) liên quan đến vấn đề nhân quyền tại Hong Kong.
Tuy nhiên, giá dầu thô đã tăng trở lại trong phiên giao dịch sáng nay sau khi các số liệu mới nhất cho thấy hoạt động sản xuất của các nhà máy tại Trung Quốc trong tháng 11/2019 đã tăng cao hơn so với kỳ vọng. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 11/2019 của Trung Quốc do Caixin phối hợp với hãng nghiên cứu thị trường Markit thực hiện đạt 51,8 điểm. Chỉ số này cũng cao hơn mức 51,4 điểm được các nhà kinh tế học tham gia khảo sát của hãng tin Reuters dự báo đưa ra trước đó. Trong tháng 10/2019, chỉ số PMI Caixin/Markit của Trung Quốc đạt 51,7 điểm.Chỉ số PMI đạt trên 50 điểm cho thấy các hoạt động sản xuất đã được mở rộng.
Theo dữ liệu chính thức của Cơ quan thông kê Trung Quốc, chỉ số PMI tháng 11/2019 của nước này đạt 50,2 điểm, tăng so với mức 49,3 điểm của tháng 10/2019 và đây là mức cao nhất được ghi nhận từ tháng 3/2019. Chỉ số PMI Caixin/Markit có xu hướng tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ; trong khi, chỉ số PMI chính thức của Cơ quan thống kê Trung Quốc tập trung vào các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhà nước. Các chuyên gia đánh giá, hoạt động sản xuất của các nhà máy tại Trung Quốc đang có đà tăng trưởng tốt nhất kể từ tháng 12/2016.
Đà tăng của giá dầu thô hiện cũng được hỗ trợ sau khi Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq cho biết khối OPEC và các quốc gia sản xuất dầu thô đồng minh như Nga (khối OPEC+) có thể cân nhắc sẽ nâng mức cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô lên 1,6 triệu thùng/ngày, tăng 400.000 thùng/ngày so với hạn mức hiện tại. Từ đầu năm 2019 đến nay, khối OPEC+ đã thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác 1,2 triệu thùng/ngày nhằm ngăn chặn đà giảm của giá dầu thô, thỏa thuận này sẽ kéo dài đến tháng 3/2020. Thị trường hiện kỳ vọng trong phiên họp ngày 5 và 6/12 tới đây, khối OPEC+ sẽ đồng ý kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến tháng 6/2020.