Chốt phiên giao dịch ngày 15/6, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai đã bật tăng 86 cents tương ứng 2,4% lên mức 37,12 USD/thùng; giá dầu thô Brent giao tương lai cũng tăng 99 cents tương ứng 2,6% lên mức 39,72 USD/thùng.
Trong đầu phiên giao dịch hôm qua, giá dầu thô đã chịu áp lực giảm xuống trước các thông tin tiêu cực về diễn biến đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, đặc biệt là tại Hoa Kỳ - nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, giá dầu thô đã bật tăng trở lại sau khi Bộ trưởng Năng lượng Các quốc gia Ả-rập Thống nhất (UAE) phát biểu tự tin rằng liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh sẽ đạt được mục tiêu cắt giảm sản lượng khai thác như đã đề ra và cho biết các dấu hiệu cho thấy nhu cầu sử dụng dầu thô đang tăng trở lại.
Phát biểu này đã phần nào trấn an được giới đầu tư vốn lo ngại một số thành viên của liên minh OPEC+ đang không thực hiện đúng thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác, sự hợp tác lỏng lẻo trong nội bộ liên minh OPEC+ có thể khiến thoả thuận cắt giảm sản lượng đổ vỡ, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phục hồi mỏng manh của thị trường dầu mỏ.
Một uỷ ban kiểm soát do khối OPEC lãnh đạo sẽ tiến hành nhóm họp vào ngày Thứ Năm tới đây nhằm thảo luận xem liệu các quốc gia thành viên liên minh OPEC+ đã thực thi đúng thoả thuận cắt giảm sản lượng hay chưa. Trong ngày 14/6, giới chức lãnh đạo Iraq cho biết các hãng khai thác dầu thô lớn nhất nước này đã đồng ý đẩy mạnh cắt giảm sản lượng hơn nữa trong tháng 6/2020. Trước đó, Iraq đã không đạt được mục tiêu cắt giảm sản lượng khai thác như đã đề ra do các hãng khai thác dầu thô không tiến hành cắt giảm.
Hãng tin Reuters dẫn lời các nguồn tin cho biết Ả-rập Xê-út, nước có sản lượng khai thác lớn nhất khối OPEC, đã giảm khối lượng cung ứng dầu thô cho ít nhất 5 đối tác mua dầu của nước này trong tháng 7/2020.
Giá dầu thô trong phiên giao dịch 15/6 cũng được hỗ trợ tích cực từ thông tin lượng tiêu thụ dầu thô tại Trung Quốc trong tháng 5/2020 đã tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái khi các nhà máy lọc dầu độc lập tại nước này gia tăng công suất hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nhiên liệu đang gia tăng trở lại tại nước này. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, thị trường dầu mỏ vẫn quan ngại về đà phục hồi nhu cầu sử dụng nhiên liệu. Chỉ tính riêng ngày 13/6, Hoa Kỳ đã ghi nhận số ca nhiễm mới Covid-19 cao kỷ lục, 25.000 ca nhiễm nâng tổng số ca nhiễm bệnh tại đây lên hơn 2 triệu người. Trong khi đó, Bắc Kinh (Trung Quốc) đã ghi nhận thêm 79 ca nhiễm bệnh mới chỉ trong vòng 4 ngày, sau gần 2 tháng không phát sinh ca nhiễm mới.
Bên cạnh đó, dữ liệu kinh tế mới cho thấy Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang gặp khó khăn trong việc phục hồi kinh tế khi chỉ số sản lượng công nghiệp tháng 5/2020 tăng thấp hơn so với dự báo. Sản lượng kinh tế của Đức, nền kinh tế lớn nhất khối EU, cũng được cảnh báo sẽ tiếp tục giảm mạnh trong quý 2/2020, theo Bộ trưởng Kinh tế Đức.