Vào lúc 11h00 sáng nay ngày 4/8 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 9/2022 tăng nhẹ 0,28% lên 96,99 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 9/2022 cũng tăng 0,32% lên 90,95 USD/thùng.
Chốt phiên giao dịch ngày 3/8 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giảm mạnh 3,7% xuống còn 96,78 USD/thùng - mức chốt phiên giao dịch thấp nhất kể từ ngày 21/2 đến nay. Tương tự, giá dầu thô WTI cũng giảm 4% xuống mức 90,66 USD/thùng - mức giá thấp nhất kể từ ngày 10/2. Như vậy giá dầu thô đã giảm về mức trước khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2.
Giá dầu thô thế giới chịu áp lực giảm sau khi dữ liệu cho thấy lượng tồn kho dầu thô tại Hoa Kỳ trong tuần trước tăng thêm tới 4,5 triệu thùng. Lượng tồn trữ xăng dầu tại nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tuần trước cũng tăng thêm 200.000 thùng. Những số liệu này gây bất ngờ cho thị trường khi giới phân tích dự báo lượng tồn trữ dầu thô và xăng dầu tại Hoa Kỳ sẽ giảm mạnh, lần lượt là 600.000 thùng và 1,6 triệu thùng.
Các dữ liệu cũng cho thấy lượng tồn kho dầu thô tại cảng chứa dầu Cushing (tiểu bang Oklahoma) - cảng chứa dầu thương mại lớn nhất Hoa Kỳ đã tăng tuần thứ 5 liên tiếp. Đồng thời, nhu cầu sử dụng xăng tại Hoa Kỳ hiện cũng ở mức thấp hơn hồi năm 2020.
Ở một diễn biến khác, liên minh OPEC+ quyết định sẽ chỉ tăng sản lượng khai thác thêm ở mức 100.000 thùng/ngày trong tháng 9 tới đây do liên minh này nhận định triển vọng tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu đã giảm xuống. Liên minh OPEC+ cho biết thị trường dầu mỏ đang đối mặt với rủi ro nền kinh tế Hoa Kỳ rơi vào suy thoái cũng như việc Trung Quốc tiến hành các biện pháp phong toả nhằm phòng chống dịch Covid-19. Giới đầu tư trên toàn cầu hiện cũng tập trung quan sát rủi ro suy thoái tại nhiều nền kinh tế lớn.
Mức tăng sản lượng lần này thấp hơn rất nhiều so với mức mục tiêu tăng 600.000 thùng/ngày của liên minh này hồi tháng 7 và tháng 8. 100.000 thùng/ngày cũng là mức tăng sản lượng thấp nhất trong lịch sử của liên minh OPEC+ và con số này sẽ được phân bổ cho 23 quốc gia thành viên liên minh.
Liên minh OPEC+, gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu. Một số chuyên gia phân tích cho biết, hiện chỉ có Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) là còn phần công suất dự phòng đủ để nâng thêm sản lượng khai thác, do đó phần sản lượng khai thác tăng thêm thực tế trong tháng 9 tới đây của OPEC+ sẽ không đáng kể.
Quyết định này của OPEC+ đã xóa tan kỳ vọng về khả năng OPEC+ mạnh tay tăng cường nguồn cung ra thị trường dưới áp lực chính trị từ phía Hoa Kỳ. Giữa tháng 7 vừa qua, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã có chuyến công du đầu tiên đến Saudi Arabia trên cương vị tổng thống. Ông Joe Biden liên tục kêu gọi OPEC cần nâng mạnh sản lượng khai thác để giữ giá dầu thô ở mức “hợp lý”, qua đó kiềm chế mức lạm phát cao kỷ lục tại Hoa Kỳ.
Bà Stacey Morris, Giám đốc bộ phận nghiên cứu năng lượng tại hãng nghiên cứu thị trường VettaFi (Hoa Kỳ), cho biết “Mức tăng sản lượng của OPEC+ quá khiêm tốn so với thị trường dầu toàn cầu". Bà Stacey Morris cho rằng thị trường hiện vẫn "cực kỳ nhạy cảm" với các yếu tố cung – cầu và biến động sẽ còn tiếp diễn.
Thị trường hiện cũng quan sát diễn biến đàm phán thoả thuận hạt nhân giữa các cường quốc phương Tây với Iran. Ông Enrique Mora, phái viên Liên minh châu Âu (EU) - chịu trách nhiệm đàm phán thoả thuận hạt nhân với Iran, hiện đang tới Vienna (Áo) để thoả luận vấn đề trên. Sau nhiều tháng đàm phán, các bên tham gia vẫn chưa đạt được kết quả. Nếu thoả thuận diễn ra thành công, các biện pháp trừng phạt nhắm vào Iran sẽ được nới lỏng, cho phép nước này gia tăng mạnh lượng dầu thô ra thị trường quốc tế.