Giá dầu thô chạm mức cao nhất từ đầu tháng 3/2020

Giá dầu thô tiếp tục tăng mạnh trong phiên giao dịch sáng ngày 25/11, chạm mức cao nhất kể từ đầu tháng 3/2020 trong bối cảnh hàng loạt tin tích cực về vaccine Covid-19 và diễn biến kinh tế Hoa Kỳ, Châu Âu được công bố.
Khai thác dầu thô
 Giá dầu thô quốc tế đã tăng gần 10% chỉ trong vòng 4 phiên giao dịch gần đây (Ảnh: Upstreamonline.com)

Vào lúc 9h47 sáng nay (ngày 25/11, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tương lai đã tăng 54 cents tương ứng 1,1% lên mức 48,40 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai cũng tăng 47 cents tương ứng 1,1% lên mức 45,38 USD/thùng. Giá dầu thô quốc tế hiện đã chạm ngưỡng cao nhất kể từ đầu tháng 3/2020 – thời điểm đại dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng và khiến các hoạt động kinh tế trên toàn cầu bị đình trệ. Tính chung 4 phiên giao dịch gần đây, giá dầu thô thế giới đã tăng gần 10%, tính riêng phiên giao dịch ngày 24/11, giá dầu thô đã bật tăng hơn 4%.

Đà tăng của giá dầu thô trong thời gian gần đây chủ yếu nhờ hàng loạt tin tức tích cực về vaccine Covid-19  và các dữ liệu tốt về nền kinh tế Hoa Kỳ và Châu Âu. Trong ngày 23/11, hãng dược phẩm AstraZeneca đã công bố vaccine Covid-19 do hãng này phát triển cho kết quả thử nghiệm đạt hiệu quả 70% và có thể tăng lên đến 90%, qua đó trở thành loại vaccine phòng ngừa Covid-19 thứ ba được công bố trên thế giới. Đáng chú ý, vaccine Covid-19 của hãng AstraZeneca có giá thấp, dễ sản xuất và dễ phân phối hơn so với hai loại vaccine Covid-19 được các hãng Pfizer/BioNTech và hãng Moderna Inc. công bố trước đó.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định bất kỳ loại vaccine phòng ngừa Covid-19 nào đạt yêu cầu cũng sẽ phải mất vài tháng để được sử dụng đại trà. Điều này đồng nghĩa với việc dịch bệnh sẽ vẫn tiếp tục lây lan, buộc nhiều khu vực trên thế giới phải áp dụng các biện pháp phong toả và hạn chế di chuyển, ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng dầu thô.

Điều này có thể khiến liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh như Nga sẽ tiếp tục duy trì việc cắt giảm sản lượng khai thác trong năm 2021. Các quốc gia thành viên khối liên minh OPEC+ sẽ nhóm họp vào ngày 30/11 và ngày 1/12 tới đây để quyết định chính sách khai thác dầu thô trong năm sau.

Chuyên gia phân tích kinh tế năng lượng Kevin Solomon thuộc hãng StoneX nhận định giá dầu thô cũng được hỗ trợ khi các rủi ro chính trị xung quanh cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ 2020 giảm xuống, mở ra triển vọng phục hồi mới cho nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong ngày 24/11, chính quyền của đương kim Tổng thống Donald Trump đã đồng ý chuyển giao quyền lực cho đội ngũ của Tổng thống đắc cử Joe Biden.

Viện Dầu khí Hoa Kỳ (API) cho biết lượng dầu thô tồn trữ của Hoa Kỳ trong tuần trước đã tăng thêm 3,8 triệu thùng lên mức 490 triệu thùng, con số này cao hơn nhiều so với dự báo tăng 127.000 thùng được giới chuyên gia tham gia khảo sát của hãng tin Reuters đưa ra trước đó.   

Quang Đặng (Theo Reuters)