Mất cân đối cung - cầu khiến giá dầu thô sụt giảm
Nguyên nhân khiến giá dầu thô giảm mạnh được cho là do sản lượng khai thác dầu thô tại Mỹ “bùng nổ” nhờ áp dụng công nghệ khoan ngang và nứt vỡ thủy lực để khai thác nguồn dầu thô từ đá phiến. Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, sản lượng khai thác dầu thô trung bình ngày tại Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 21/11/2014 đạt 9,08 triệu thùng/ngày - mức trung bình ngày theo tuần cao nhất kể từ tháng 1/1983. Trong khi đó, bất chấp giá dầu thô giảm mạnh, OPEC kiên quyết giữ mức trần sản lượng khai thác 30 triệu thùng/ngày. Hiện nguồn cung dầu thô từ OPEC chiếm tới 40% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Về phía cầu, tình hình kinh tế toàn cầu ảm đảm, nhất là tại các quốc gia sử dụng dầu thô lớn như Trung Quốc, Liên minh Châu Âu… khiến các dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô trên thế giới trong năm 2015 sẽ tiếp tục ở mức thấp. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, nhu cầu dầu thô trong năm 2014 trên toàn cầu ước tính chỉ tăng trung bình thêm 68.000 thùng/ngày - mức thấp trong 5 năm qua và dự báo sẽ chỉ tăng chậm thêm 1,1 triệu thùng/ngày lên mức 93,6 triệu thùng/ngày vào năm 2015.
Nhiều chuyên gia nhận định, giá dầu thô nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục giảm xuống trong thời gian tới. Theo EIA, dự trữ dầu thô trên toàn cầu được dự báo ở mức cao sẽ tiếp tục tạo áp lực giảm lên giá dầu thô trong nửa đầu năm 2015. Do đó, mức giá trung bình dầu thô Brent và WTI được EIA dự báo sẽ lần lượt đạt 68 USD/thùng và 63 USD/thùng, giảm 15 USD/thùng so với dự báo trước đó.
Tác động đến các nền kinh tế
Việc giá dầu thô sụt giảm đã gây ra tác động đa chiều đến nền kinh tế toàn cầu cũng như nền kinh tế của từng quốc gia. Theo đánh giá của các chuyên gia, giá dầu cứ giảm 10 USD sẽ giúp gia tăng nhu cầu về dịch vụ cũng như hàng hóa trên toàn cầu thêm 0,2 đến 0,3% và tăng trưởng GDP toàn cầu tăng thêm khoảng 0,2%. Giá dầu thô giảm tiếp thêm động lực tăng trưởng cho các quốc gia nhập khẩu dầu thô như Trung Quốc, Ấn Độ, Châu Âu,…
Nhà kinh tế học cấp cao Andrew Kenningham thuộc Công ty Nghiên cứu kinh tế Capital Economics cho biết thêm, giá dầu cứ giảm 10 USD/thùng thì đồng nghĩa với việc 0,5% tăng trưởng GDP của các quốc gia chuyên khai thác dầu chuyển sang các quốc gia sử dụng dầu và tăng nhu cầu về dịch vụ cũng như hàng hóa trên toàn cầu thêm 0,2 đến 0,3%.
Tuy vậy, giá dầu thô giảm không phải là tin tốt đối với các nước xuất khẩu dầu. Với khối OPEC, ngoài Qatar và Kuwait là hai nước chỉ cần mức giá dầu dưới 70 USD/thùng đã đủ cân đối được ngân sách, các nước còn lại đều cần giá dầu được giữ ở mức cao. Ả-rập Xê-út - quốc gia khai thác dầu thô lớn nhất OPEC cần giá dầu ở mức trên 90 USD/thùng để cân đối ngân sách. Venezuela thậm chí cần giá dầu thô đạt trung bình 117,50 USD/thùng trong năm 2015 để đảm bảo ngân sách. Giá dầu thô càng giảm sẽ càng tạo áp lực lên ngân sách các nước OPEC.
Tại Mỹ, việc giá dầu thô giảm khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn; các hoạt động kinh doanh cũng hưởng lợi nhờ việc tiết kiệm chi phí sản xuất và mức lợi nhuận cao hơn cùng với mức nhu cầu của người tiêu dùng tăng lên, hoạt động sản xuất tại Mỹ có thể được mở rộng. Ngược lại, giá dầu thô giảm sẽ gây tác động xấu đến ngành khai thác dầu thô của Mỹ, đặc biệt là các nhà khai thác dầu đá phiến vốn có chi phí khai thác ở mức cao cũng như các ngành công nghiệp có liên quan đến khai thác dầu khí. Tuy nhiên, việc giá dầu thô giảm đem lại nhiều lợi ích hơn cho Mỹ, giúp mở rộng hoạt động kinh doanh, tạo ra nhiều việc làm hơn và gia tăng tốc độ phục hồi kinh tế.
Nga - quốc gia có nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt lên tới 70% tổng nguồn thu ngân sách cũng đang chịu tác động lớn từ việc giá dầu thô giảm. Cứ 1 đồng USD giảm giá dầu thì thu ngân sách của Nga thiệt hại 2 tỷ USD. Theo đánh giá của Ngân hàng Sberbank - ngân hàng lớn nhất nước Nga, giá dầu thô cần đạt 104 USD/thùng để Nga cân đối ngân sách.
Việt Nam là một quốc gia xuất khẩu dầu thô, kim ngạch đạt hơn 7 tỷ USD trong năm 2013, việc giá dầu giảm cũng tác động trực tiếp tới ngân sách nhà nước. Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết nếu giá dầu giảm một USD, ngân sách sẽ hụt khoảng 1.000 tỷ đồng. "Nếu giá giảm về 85 USD thì thu ngân sách hụt khoảng 20.000 tỷ đồng", ông cho hay. Và đến nay, khi giá dầu đã giảm về dưới 65 USD một thùng, tình hình không khỏi lo ngại, đặc biệt trong bối cảnh Thủ tướng cho biết bội chi ngân sách nhà nước năm tới phải giảm về 5% GDP, từ mức 5,3% GDP năm 2014.