Vào lúc 7h39 sáng nay (ngày 20/11, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đã giảm 9 cents tương ứng 0,2% xuống mức 41,65 USD/thùng; giá dầu thô Brent giao tương lai chưa đến phiên giao dịch vào lúc này. Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, giá dầu thô WTI đã giảm 0,2% và giá dầu thô Brent giảm 0,3%. Tuy nhiên, tính chung cả tuần giao dịch này thì giá dầu thô thế giới đang hướng đến tuần tăng giá thứ 3 liên tiếp.
Giá dầu thô chịu áp lực giảm trong phiên giao dịch sáng nay do giới đầu tư lo ngại việc số ca nhiễm mới Covid-19 gia tăng mạnh sẽ khiến nhiều khu vực trên thế giới tái áp đặt các biện pháp phong toả diện rộng, làm giảm triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô.
Tuy nhiên, giá dầu thô hiện đang được nâng đỡ bởi kỳ vọng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tung ra gói cứu trợ kinh tế mới. Theo hãng tin CNBC (Hoa Kỳ), lãnh đạo Đảng Dân chủ tại Thượng viện Hoa Kỳ Chuck Schumer cho biết lãnh đạo phe đa số Đảng Cộng hoà tại Thượng viện Hoa Kỳ Mitch McConnell đã đồng ý quay lại đàm phán việc gia tăng thêm các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế nước này khi số ca nhiễm bệnh mới tiếp tục tăng cao.
Tỷ lệ nhập viện của bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Hoa Kỳ đã tăng gần 50% trong hai tuần qua, buộc các tiểu bang của nước này phải áp đặt các biện pháp hạn chế mới để hạn chế sự lây lan đáng báo động của dịch bệnh trong bối cảnh mùa đông và kỳ nghỉ lễ lớn cuối năm đang đến gần.
Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao Edward Moya thuộc hãng chứng khoán OANDA nhận định bất kỳ gói kích thích nào được tung ra trước kỳ nghỉ lễ cuối năm nay sẽ giúp đẩy giá dầu thô tăng lên, trong khi đó, những lo ngại về sự sụt giảm nhu cầu sử dụng dầu thô đã được phản ánh phần lớn vào giá dầu thô hiện tại. Hoa Kỳ sẽ phải siết chặt các biện pháp phong toả hơn nữa trong vài tuần tới đây để ngăn chặn dịch bệnh, theo ông Edward Moya.
Nhằm đối phó với việc nhu cầu sử dụng dầu thô suy giảm, giới quan sát nhận định liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh như Nga có khả năng sẽ hoãn kế hoạch nâng sản lượng khai thác kể từ tháng 1/2021. Giới phân tích hiện lo ngại tình trạng dư cung dầu thô trên toàn cầu có thể trở nên trầm trọng hơn khi sản lượng khai thác của Libya, một thành viên của liên minh OPEC+, gia tăng nhanh hơn nhiều so với dự báo trước đây.