Cụ thể, vào lúc 15h30 chiều nay ngày 26/8 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 10/2021 giảm 1,33% xuống còn 71,29 USD/thùng; giá dầu thô WTI giao tháng 9/2021 cũng giảm 1,36% xuống mức 67,38 USD/thùng.
Chốt phiên giao dịch ngày 25/8 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent đã tăng 1,7% và giá dầu thô WTI tăng 1,2%. Tính từ đầu tuần đến nay, giá dầu thô Brent và dầu thô WTI đã bật tăng khoảng 10%, giúp giá dầu thô phục hồi gần như toàn bộ sau cú lao dốc mạnh trong tuần trước.
Đà tăng của giá dầu thô trong phiên giao dịch ngày 25/8 chủ yếu nhờ các thông tin tích cực về tình hình tiêu thụ nhiên liệu tại Hoa Kỳ - nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cụ thể, Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cho biết sản lượng nhiên liệu và các sản phẩm lọc hoá dầu tại nước này trong 4 tuần trở lại đây đạt trung bình gần 21 triệu thùng/ngày. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 3/2020 – thời điểm Hoa Kỳ bắt đầu phong toả diện rộng để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19. Việc sản lượng nhiên liệu và các sản phẩm lọc hoá dầu đạt mức cao kỷ lục là chỉ báo cho thấy nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Hoa Kỳ đang phục hồi tốt.
Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cũng cho biết công suất hoạt động của các nhà máy lọc hoá dầu tại nước này trong tuần trước đạt 92,4% - mức cao nhất kể từ cuối tháng 6 trở lại đây. Các nhà máy lọc hoá dầu tăng cường hoạt động trở lại góp phần giúp lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ trong tuần trước giảm 3 triệu thùng xuống còn 432,6 triệu thùng – mức thấp nhất kể từ tháng 1/2020. Lượng tồn trữ xăng dầu tại nước này cũng giảm tới 2,2 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn mức dự báo của giới phân tích.
Bên cạnh đó, giá dầu thô vẫn đang được hỗ trợ từ việc nguồn cung dầu thô của Mexico sụt giảm khoảng 400.000 thùng/ngày sau sự cố hoả hoạn tại một giàn khoan dầu thô lớn của nước này vào cuối tuần trước. Dự kiến hoạt động khai thác dầu thô của Mexico sẽ được khôi phục bình thường vào ngày 30/8 tới đây.
Mặt khác, việc Trung Quốc đang kiểm soát hiệu quả đợt bùng phát đại dịch Covid-19 với biến chủng Delta cũng giúp góp phần nâng đỡ giá dầu thô. Thị trường kỳ vọng các hoạt động sản xuất và giao thông tại nước này sẽ sớm trở lại bình thường, qua đó nâng mức tiêu thụ nhiên liệu tại đây. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, nhiều nền kinh tế trên thế giới vẫn đang vật lộn với biến chủng Covid-19 Delta và phải tái áp đặt các biện pháp phong toả chặt chẽ khiến một bộ phận giới đầu tư tiếp tục thận trọng về triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô. Tại Australia, số ca nhiễm mới Covid-19 theo ngày tại Sydney đã đạt mức cao nhất từng được ghi nhận mặc dù thành phố này đã phong toả trong gần 2 tháng nay.
Ông Mark Haefele, trưởng ban đầu tư tại quỹ đầu tư UBS Global Wealth Management (Thuỵ Sĩ) nhận định “Mặc dù thị trường dầu mỏ sẽ còn tiếp tục dao động trong thời gian tới, chúng tôi (UBS) nhận định giá dầu thô sẽ còn tăng lên khi nền kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi và Tổ chức các nước khai thác dầu thô (OPEC) kiên định trong việc điều tiết sản lượng khai thác”.
Quỹ đầu tư UBS Global Wealth Management dự báo giá dầu thô Brent sẽ đạt mức 75 USD/thùng vào tháng 12 tới đây.