Chốt phiên giao dịch 9/3 (theo giờ Hoa Kỳ), giá dầu thô Brent giao tương lai đã giảm 72 cents tương ứng 1,06% xuống mức 67,52 USD/thùng. Trong phiên giao dịch, đã có lúc giá dầu thô Brent đạt mức 69,33 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai giảm mạnh 1,04 USD tương ứng 1,6% xuống còn 64,01 USD/thùng.
Như vậy, giá dầu thô thế giới đã giảm mạnh so với phiên giao dịch đầu tuần. Trong ngày thứ Hai (8/3), giá dầu thô Brent đã bật tăng mạnh lên mức 71,38 USD/thùng – mức cao nhất kể từ ngày 8/1/2020, thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát ra toàn cầu. Giá dầu thô WTI cũng chạm mức cao nhất kể từ tháng 10/2018.
Đà tăng của giá dầu thô trong phiên giao dịch đầu tuần chủ yếu do thị trường lo ngại các rủi ro nguồn cung dầu thô sau khi phiến quân Houthi (Yemen) tấn công các cơ sở sản xuất dầu thô chính của Ả-rập Xê-út. Tuy nhiên, trong 2 phiên giao dịch gần đây, mối lo về những căng thẳng tại khu vực Trung Đông trên thị trường dần giảm xuống, qua đó kéo giá dầu thô giảm theo.
Đà giảm của giá dầu thô hiện được kìm lại nhờ việc đồng USD giảm nhẹ và các quốc gia khai thác dầu thô lớn trên thế giới duy trì việc cắt giảm sản lượng khai thác. Cụ thể, đồng USD đã giảm xuống so với mức cao nhất trong 3,5 tháng trở lại đây. Việc đồng USD neo cao trong những phiên giao dịch gần đây đã khiến các loại hàng hoá được định giá bằng đồng USD như dầu thô trở nên đắt đỏ hơn với các nhà đầu tư.
Trong ngày 9/3, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu (gọi chung là Liên minh OPEC+) cho biết sẽ quyết tâm duy trì việc cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô. Điều này có thể đẩy giá dầu thô tăng lên trong thời gian tới khi nhu cầu sử dụng nhiên liệu được dự báo sẽ phục hồi trở lại.
Giá dầu thô hiện cũng đang được hỗ trợ bởi kỳ vọng Hoa Kỳ sớm tung ra gói cứu trợ khổng lồ 1.900 tỷ USD. Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua gói cứu trợ này vào ngày 6/3 và chuyển lại cho Hạ viện Hoa Kỳ thông qua các sửa đổi. Dự kiến, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ ký ban hành chính thức gói cứu trợ này trước ngày 14/3.
Thị trường kỳ vọng gói cứu trợ lần này sẽ giúp nền kinh tế Hoa Kỳ phục hồi tốt hơn sau đại dịch Covid-19, qua đó thúc đẩy nhu cầu sử dụng nhiên liệu. Việc triển khai tiêm chủng mở rộng vaccine ngừa Covid-19 tại nhiều khu vực trên thế giới cũng đang thúc đẩy việc mở cửa trở lại các nền kinh tế.