Vào lúc 14h30 chiều nay ngày 4/7 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 9/2022 tăng nhẹ 0,33% lên 111,96 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 8/2022 cũng tăng 0,22% lên 108,65 USD/thùng. Tính chung cả tuần trước, giá dầu thô Brent tăng 2,3% và giá dầu thô WTI tăng 0,8%.
Giới quan sát nhận định giá dầu thô hiện đang chịu áp từ lo ngại rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng lớn hơn trong bối cảnh các ngân hàng trung ương lớn siết chặt chính sách tiền tệ ở mức độ nhanh nhất trong hàng chục năm trở lại đây nhằm kiềm chế lạm phát.
Bên cạnh đó, dữ liệu cho thấy niềm tin của người tiêu dùng tại Hoa Kỳ trong tháng 6 vừa qua đã rơi xuống mức thấp kỷ lục. Điều này có thể khiến nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại nền kinh tế lớn nhất thế giới giảm xuống trong thời gian tới. Nghiên cứu gần nhất của hãng tin Bloomberg (Hoa Kỳ) cho thấy khả năng Hoa Kỳ rơi vào suy thoái trong năm 2022 là 25%, nhưng tỉ lệ này có thể lên tới 75% vào năm 2023. Tập đoàn tài chính Citigroup (Hoa Kỳ) cho biết xác suất nền kinh tế Hoa Kỳ rơi vào suy thoái hiện đã lên đến 50%.
Chuyên gia phân tích Tina Teng từ hãng dịch vụ tài chính CMC Markets (Anh) cho biết “Những lo ngại về suy thoái kinh tế là yếu tố chính kìm hãm đà tăng của giá dầu thô hiện nay. Lãi suất tăng và sự sụt giảm niềm tin của người tiêu dùng tại Hoa Kỳ đã làm giảm triển vọng nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong khi đó, dữ liệu cho thấy hoạt động sản xuất của các nhà máy lọc hoá dầu tại Hoa Kỳ đã được cải thiện. Đồng thời, việc đồng USD tăng giá cũng khiến các loại hàng hoá được định giá bằng đồng tiền này như dầu thô trở nên kém hấp dẫn hơn so với các nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền khác”.
Tuy nhiên, đà giảm của giá dầu thô phần nào được kìm hãm bởi lo ngại tình trạng căng thẳng nguồn cung dầu sẽ còn kéo dài trong thời gian tới. Khảo sát của hãng tin Reuters (Anh) cho thấy sản lượng khai thác của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong tháng 6 chỉ đạt 28,52 triệu thùng/ngày, giảm 0,1 triệu thùng/ngày so với hồi tháng 5. Mức giảm sản lượng này ngược lại hoàn toàn với cam kết tăng sản lượng thêm 0,275 triệu thùng/ngày của khối này.
Hãng tư vấn thị trường ANZ Research (Australia) nhận định tình trạng gián đoạn nguồn cung dầu thô từ Libya có thể sẽ trở nên nghiêm trọng hơn trong thời gian tới khi tình trạng căng thẳng chính trị tại nước này leo thang. Libya hiện là quốc gia các sản lượng khai thác dầu thô lớn thứ 7 trong khối OPEC. Trong tuần trước, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya cho biết sản lượng xuất khẩu dầu thô của nước này đã giảm mạnh từ mức 865.000 thùng/ngày xuống còn từ 365.000 – 409.000 thùng/ngày.
Điều này cho thấy OPEC nhiều khả năng khó có thể đạt mục tiêu nâng sản lượng khai thác thêm như đã đề ra trong thời gian tới. Giới đầu tư hiện tập trung quan sát giá bán dầu thô chính thức cho tháng 8 của Saudi Arabia - quốc gia có sản lượng khai thác dầu lớn nhất khối OPEC để đánh giá mức độ căng thẳng nguồn cung trên thị trường.
Một yếu tố khác cũng đe doạ nguồn cung dầu thô toàn cầu là cuộc đình công của các công nhân dầu khí Na Uy trong tuần này. Cuộc đình công này có thể khiến sản lượng dầu và khí ngưng tụ của Na Uy giảm khoảng 130.000 thùng/ngày.