Giá dầu thô neo quanh mức cao nhất 7 năm trở lại đây

Trong phiên giao dịch hôm nay ngày 20/1, giá dầu thô thế giới tiếp tục neo quanh mức cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây bất chấp thông tin Thổ Nhĩ Kỳ đã khôi phục lại hoạt động tuyến đường ống dẫn dầu quan trọng nối nước này với nguồn dầu từ Iraq.
giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI trong vòng 1 tháng trở lại đây (Đồ hoạ: Barchart.com)

Vào lúc 14h00 chiều nay ngày 20/1 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 3/2022 giảm 0,23% xuống mức 88,24 USD/thùng; ngược lại, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 2/2022 tăng 0,36% lên 87,27 USD/thùng. Giá dầu thô thế giới hiện đang tại vùng giá cao nhất kể từ hồi cuối năm 2014 đến nay.

Tập đoàn tài chính ANZ dẫn phân tích của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu đang phục hồi về mức như trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra, đặc biệt khi biến chủng Covid-19 Omicron dường như đang gây ra ít tác động hơn đến nền kinh tế thế giới so với các dự báo trước đây. ANZ cũng nhấn mạnh các rủi ro đứt gãy nguồn cung ngắn hạn hiện đang thúc đẩy giá dầu thô tăng mạnh.

Trong phiên giao dịch hôm qua, đã có lúc giá dầu thô Brent vượt ngưỡng 89 USD/thùng sau thông tin đường ống dẫn dầu quan trọng Kirkuk – Ceyhan giữa Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ ngưng hoạt động vì một vụ nổ chưa rõ nguyên nhân. Đây là tuyến đường ống dẫn dầu quan trọng, giúp chuyển giao dầu thô của Iraq đến các khách hàng quốc tế. Tuy nhiên, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ vừa cho biết đã khôi phục hoạt động của đường ống dẫn dầu này.

Trước đó, thị trường lo ngại việc phiến quấn Houthi từ Yemen bất ngờ tấn công Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), đẩy xung đột tại Trung Đông trở nên căng thẳng hơn có thể khiến nguồn cung dầu thô từ khu vực này bị gián đoạn. UAE hiện là quốc gia khai thác dầu thô lớn thứ ba trong Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Đồng thời, căng thẳng giữa Nga và Ukraine cũng có thể khiến nguồn cung dầu thô từ Nga bị ảnh hưởng. Nga hiện là quốc gia khai thác dầu thô lớn thứ hai thế giới.

Một số quan chức OPEC và chuyên gia phân tích nhận định đà tăng của giá dầu thô hiện nay có thể kéo dài trong vài tháng tới và giá dầu thô có thể đạt ngưỡng 100 USD/thùng nếu như các căng thẳng địa chính trị hiện nay tiếp tục leo thang.

Hiện tại một số quốc gia thuộc liên minh OPEC+, bao gồm cả Nga, đang gặp khó khăn trong việc nâng thêm sản lượng khai thác như kế hoạch đã đề ra. Liên minh OPEC+, bao gồm OPEC và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga dẫn đầu, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Dữ liệu từ Viện Dầu khí Hoa Kỳ cho thấy lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ trong tuần kết thúc vào ngày 14/1 đã giảm 1,4 triệu thùng; trong khi đó, lượng tồn trữ xăng dầu lại tăng thêm 3,5 triệu thùng. Dữ liệu chính thức sẽ được Bộ Năng lượng Hoa Kỳ công bố vào cuối ngày hôm nay (theo giờ Hoa Kỳ).

Duy Quang