Vào lúc 9h30 sáng nay ngày 10/11 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 12/2021 tiếp tục tăng 0,83% lên 85,48 USD/thùng; giá dầu thô WTI giao tháng 12/2021 tăng 0,61% lên 84,66 USD/thùng
Chốt phiên giao dịch ngày 9/11 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent tăng mạnh 1,6% lên 84,78 USD/thùng; giá dầu thô WTI tăng tới 2,7% lên 84,15 USD/thùng.
Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu thô Brent đã tăng hơn 60% và chạm mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây vào ngày 25/10 vừa qua với mức giá 86,70 USD/thùng. Đà tăng của giá dầu thô chủ yếu do nhu cầu sử dụng nhiên liệu trên toàn cầu phục hồi mạnh khi nhiều nền kinh tế tái mở cửa trở lại nhưng nguồn cung dầu thô không theo kịp khi liên minh OPEC+ chỉ nâng sản lượng ở mức thấp.
Trong phiên họp chính sách định kỳ diễn ra ngày 4/11, liên minh OPEC+ vẫn quyết định chỉ nâng sản lượng khai thác thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 12 tới đây bất chấp sức ép ngày càng tăng từ các nước sử dụng nhiên liệu lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ấn Độ. Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu.
Chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vừa cho biết đã có một số công cụ để kiềm chế đà tăng của giá dầu thô. Giới quan sát hiện nhận định Hoa Kỳ có thể xả bán ra thị trường một phần kho dự trữ dầu thô chiến lược.
Tuy nhiên, ông Louise Dickson, chuyên gia phân tích thị trường dầu thô cấp cao tại hãng tư vấn năng lương Rystad Energy (Na Uy), cho biết giải pháp tăng cung dầu thô từ nguồn dự trữ chiến lược của Hoa Kỳ chỉ giúp kìm hãm đà tăng giá dầu thô trong ngắn hạn và không giúp giải quyết triệt để tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu thô trên thị trường.
Ông Amin Nasser, Giám đốc điều hành tập đoàn khai thác dầu thô Saudi Aramco, cảnh báo khi các hãng hàng không trên toàn cầu hoạt động trở lại trong năm sau thì nhu cầu sử dụng nhiên liệu sẽ bùng nổ và toàn bộ phần công suất khai thác dầu hiện chưa được sử dụng sẽ được huy động. Tập đoàn Saudi Aramco, thuộc Chính phủ Ả-rập Xê-út, hiện là hãng khai thác dầu thô lớn nhất thế giới.
Phần công suất khai thác dầu dự phòng đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực khai thác dầu thô, cho phép các hãng dầu nhanh chóng tăng nguồn cung nếu như nhu cầu trên thị trường tăng đột ngột. Nếu toàn bộ phần công suất khai thác dự phòng được sử dụng hết thì những gia tăng trong nhu cầu sử dụng sẽ khiến giá dầu thô biến động mạnh.
Tập đoàn tài chính JPMorgan Chase (Hoa Kỳ) cho biết nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu trong tháng 11 này sẽ đạt 100 triệu thùng/ngày, tương đương mức nhu cầu trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Tại Ấn Độ - quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới, nhu cầu sử dụng nhiên liệu trong tháng 10 vừa qua đã chạm mức cao nhất trong vòng 7 tháng trở lại đây, giá bán xăng dầu tại nước này cũng lập mức cao nhất mọi thời đại.